Hai vợ chồng cũng cũng giải thích rằng các ứng dụng và video trên iPad được tạo ra bởi một số người rất thông minh và được thiết kế có chủ ý để khiến con bị cuốn hút và có thói quen xem thường xuyên.
Điều quan trọng là con của chúng ta hiểu được động cơ của các công ty game, mạng xã hội. Mặc dù những sản phẩm này mang lại niềm vui và sự kết nối, chúng cũng thu lợi từ thời gian và sự chú ý của chúng ta. Tuy những kiến thức này có vẻ to tát với một đứa trẻ 5 tuổi, Eyal cảm thấy cần phải trang bị cho con khả năng ra quyết định về thời gian sử dụng các thiết bị màn hình và thực thi quy tắc của riêng mình.
Sau đó, vợ chồng ông hỏi con về thời gian xem màn hình bao nhiêu là đủ. Ông thừa nhận họ đã mạo hiểm khi cho con quyền tự quyết, nhưng rất đáng để thử.
"Thành thật mà nói, tôi đã mong đợi con nói: 'Cả ngày!'. Nhưng đứa trẻ đã không làm thế. Thay vào đó, khi đã được trang bị logic đằng sau lý do tại sao việc giới hạn thời gian xem thiết bị lại quan trọng, với quyền tự do quyết định trong tay, con tôi ngượng ngùng yêu cầu 'hai buổi'. Tức là hai tập của một chương trình phù hợp với trẻ em trên Netflix dài khoảng 45 phút", ông Nir Eyal nói.
Ông hỏi con: "45 phút có phải là khoảng thời gian sử dụng thiết bị mỗi ngày phù hợp với con không?". Đứa trẻ gật đầu đồng ý. Đối với ông bố này, 45 phút là ổn để còn nhiều thời gian cho các hoạt động khác.
"Con dự định làm thế nào để đảm bảo mình không xem quá 45 phút mỗi ngày?", ông hỏi. Đứa trẻ đề xuất sử dụng đồng hồ hẹn giờ.
"Nghe hay đấy", ông đồng ý. "Nhưng nếu bố và mẹ nhận thấy con không thể giữ lời hứa với chính mình và với chúng ta, cả nhà sẽ phải xem xét lại cuộc thảo luận này", ông nhắc nhở con.
Hiện nay, con gái 10 tuổi của ông Nir Eyal vẫn chịu trách nhiệm về thời gian sử dụng thiết bị. Cô bé đã thực hiện một số điều chỉnh đối với các nguyên tắc của mình khi lớn lên, chẳng hạn như đổi các tập phim hàng ngày lấy một đêm xem phim cuối tuần hay thay đồng hồ bấm giờ bằng loa thông minh Alexa.
Điều quan trọng, đây là những quy định của con, không phải của cha mẹ và con chịu trách nhiệm thực thi chúng. Dù không hề nhận ra nhưng con gái ông đã tham gia vào một "hiệp ước nỗ lực", một loại cam kết trước liên quan đến việc tăng lượng nỗ lực cần thiết để thực hiện một hành động không mong muốn.
Kiểu cam kết này có thể giúp chúng ta trở nên khó phân tâm. Nhiều bậc cha mẹ muốn biết liệu có lượng thời gian chính xác mà trẻ được phép dành cho màn hình hay không, nhưng không có con số tuyệt đối nào như vậy. Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm nhu cầu cụ thể của trẻ, trẻ đang làm gì trên mạng và các hoạt động ngoài lề khác.
Theo chuyên gia Eyal, điều quan trọng nhất là cho trẻ tham gia vào cuộc thảo luận, giúp chúng đặt ra quy định của mình. Khi cha mẹ áp đặt giới hạn mà không có ý kiến của trẻ, chúng có xu hướng bực tức và muốn gian lận.
Trên thực tế, chúng ta có thể sẽ có những cuộc thảo luận sôi nổi về vai trò của công nghệ trong gia đình và cuộc sống của con cái. Những cuộc thảo luận và đôi khi là những bất đồng tôn trọng là dấu hiệu của một gia đình lành mạnh. Chỉ khi trẻ có thể theo dõi hành vi của chính mình thì chúng mới học được những kỹ năng cần thiết để không bị phân tâm - ngay cả khi cha mẹ không ở bên cạnh.
Nếu có một bài học rút ra từ vấn đề này thì đó là sự mất tập trung cũng là một vấn đề như bao vấn đề khác. Dù trong một tập đoàn lớn hay trong một gia đình nhỏ, khi thảo luận các vấn đề của mình một cách cởi mở và trong một môi trường mà chúng ta cảm thấy an toàn và được hỗ trợ, chúng ta có thể cùng nhau giải quyết.