Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn

Hải Bình | 20/04/2023, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Lê Hải Châu, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ lưu ý giúp học sinh hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay.

Đọc kỹ đề, phân bố thời gian hợp lý

Trước khi vào làm bài, học sinh cần đọc kỹ, chi tiết nội dung đề bài yêu cầu để hiểu đúng, chính xác vấn đề mà đề bài đưa ra.

Khi ra khỏi phòng thi, không ít học sinh tiếc nuối vì thiếu thời gian làm bài. Đây là điều dễ hiểu vì khi làm văn nhiều học sinh có tâm lý viết “thừa còn hơn thiếu”. Tuy nhiên, đây là điều tối kị trong quá trình làm bài, vì thời gian dành cho mỗi phần đều cần phân rõ để đảm bảo chất lượng của cả bài thi.

Do đó, quá trình làm bài, học sinh nên hình thành thói quen và tự quản lý bản thân làm bài theo cách chia thời gian như sau:

Phần Đọc hiểu: 15-20 phút; phần Nghị luận xã hội: 15-20 phút; phần Nghị luận văn học: 80-85 phút; thời gian để soát lại bài làm: 5 phút.

Kỹ năng khi làm phần Đọc hiểu

Khi nhận đề thi, học sinh hãy tập trung đọc các câu hỏi trong phần đọc hiểu trước, sau đó mới quay trở lại đọc văn bản. Trong quá trình đọc câu hỏi, học sinh đã ghi nhớ được một số những từ khóa để lưu ý trong quá trình đọc và bước đầu hình dung được nội dung chính của văn bản. Từ đó tăng hiệu quả bài làm và tiết kiệm thời gian làm bài.

Với những câu hỏi ở mức độ nhận biết, học sinh tập trung vào những kiến thức cơ bản như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật… Với câu này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, nhanh chóng nhưng cũng cần độ chính xác cao vì dễ bị nhầm lẫn.

Với những câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, thường yêu cầu “căn cứ vào văn bản”, “theo tác giả”…, học sinh cần đọc kỹ đoạn văn bản chứa từ khóa, ý chính của đoạn văn bản đề tìm ra vấn đề được hỏi.

Với câu hỏi thông hiểu và vận dụng, cần bám vào văn bản và thực tiễn để lý giải, quan điểm đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực xã hội và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn  ảnh 1

Cô Lê Hải Châu,.giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội)

Kỹ năng làm câu nghị luận xã hội

Đề bài văn nghị luận xã hội thường yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ. Học sinh cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay). Có thể nhiều hơn vài dòng cũng không bị trừ điểm (tối đa 1 trang giấy thi).

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời câu hỏi: Chủ đề/ luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần phải nêu luận cứ cụ thể nào? Để viết tốt đoạn văn, học sinh cần nắm vững bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu... Trong khi viết đoạn văn, học sinh sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận...

Để viết được đoạn văn nghị luận xã hội đạt điểm cao, ngoài những kỹ năng cứng như trên, học sinh cần có những kỹ năng mềm như nắm bắt tình hình xã hội, những vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra mang tính thời sự... Học sinh bắt buộc phải đưa dẫn chứng vào bài làm nhưng tránh đưa vào bài quá nhiều dẫn chứng hoặc những dẫn chứng đã quá quen nhàm. Tránh hô khẩu hiệu, lan man, dài dòng.

Kỹ năng làm câu nghị luận văn học

Trong bài thi môn Ngữ văn, bài nghị luận văn học chiếm 50% số điểm của toàn bài. Do đó, đây là phần đòi hỏi học sinh dành nhiều thời gian, kiến thức và thể hiện kỹ năng viết bài cứng cáp.

Để làm tốt bài này, học sinh cần nắm chắc kiến thức chung của các tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn THPT, đặc biệt là các tác phẩm trọng tâm của lớp 12.

Theo định hướng đề thi những năm gần đây, khi làm bài học sinh có thể làm theo những bước sau:

Bước 1: Nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ - cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý khái quát, có đưa ra những ý quan trọng của từng phần:

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lý giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn