Khi trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ, một số ngành nghề bắt đầu chứng kiến sự thay đổi đáng kể. Giới trẻ nên làm gì để sớm thích nghi và không bị tụt hậu?
Một báo cáo mới từ tập đoàn kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, những người làm việc trong các ngành tiếp cận với ứng dụng của AI, như công nghệ thông tin và tài chính, đang có mức thu nhập cao hơn hẳn so với những ngành ít chịu ảnh hưởng bởi AI.
Theo những thống kê từ gần một tỷ quảng cáo tuyển dụng trên toàn cầu đã đăng tải trong năm nay PwC nhận thấy mức lương trung bình cho các vị trí công việc yêu cầu kỹ năng liên quan đến AI đã tăng 56% trong năm qua.
Đại diện đơn vị tiến hành nghiên cứu, ông Barret Kupelian - chuyên gia kinh tế của PwC - cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đều đặn về nhu cầu tuyển dụng đối với nhân sự có kỹ năng về AI ở hầu hết các lĩnh vực công việc, đặc biệt là IT, dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên môn”.
Ông Kupelian cũng nhấn mạnh rằng hiện tại, việc có kỹ năng liên quan đến AI mang lại khoản lương thưởng hấp dẫn cho người lao động.
Khi được hỏi đâu là những công việc ít có khả năng bị AI thay thế trong 10 năm tới, chuyên gia của PwC cho rằng, những ngành nghề lao động truyền thống như thợ sửa ống nước, thợ điện, thợ sơn... vẫn có chỗ đứng.
“Công nghệ chưa đủ tinh vi để thay thế hoàn toàn kỹ năng tay nghề cao trong các công việc đòi hỏi tay nghề của người lao động”, ông Kupelian nói. Ngoài ra, những công việc đòi hỏi óc phán đoán cao và tính sáng tạo lớn cũng khó bị AI thay thế.
Báo cáo của PwC còn cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự có bằng đại học trong các công việc liên quan đến AI đang giảm nhanh. Tỷ lệ tin tuyển dụng yêu cầu bằng đại học ở các vị trí liên quan đến AI giảm từ mức 64% trong năm 2019 xuống còn 56% trong năm 2024.
Bà Phillippa O'Connor - Giám đốc nhân sự PwC (Anh) - nhận định: “Bằng đại học vẫn cần thiết cho nhiều ngành nghề, nhưng hiện tại, nhà tuyển dụng đánh giá năng lực qua nhiều tiêu chí hơn, thay vì chỉ tập trung vào bằng cấp. Việc học tập không ngừng, mở rộng kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng công nghệ và AI sẽ dần trở thành yếu tố sống còn để người lao động trụ lại trong thị trường lao động”.
Trường hợp của ông Shawn K - một kỹ sư phần mềm kỳ cựu tại Mỹ - có thể xem là minh chứng rõ nét cho những tác động khắc nghiệt của AI lên thị trường lao động hiện nay. Trước đây, ông Shawn kiếm được khoảng 150.000 USD/năm. Dù vậy, ông đã bị sa thải vì sự xuất hiện của AI. Hiện tại, ông Shawn làm công việc giao hàng.
Khi chia sẻ công khai câu chuyện của mình, ông Shawn cho biết đã nộp hơn 800 hồ sơ xin việc trong vòng một năm sau khi bị sa thải, nhưng phần lớn hồ sơ gửi đi đều không nhận được hồi âm. Dù từng được đánh giá là có năng lực, nhưng trong tình hình hiện tại, ông Shawn vẫn không muốn trở lại với công việc cũ, do sự cạnh tranh quá khốc liệt từ chính các hệ thống lọc hồ sơ AI.
“Mọi thứ đã thay đổi quá dữ dội trong vài năm trở lại đây. AI đã khiến tôi và nhiều lập trình viên giỏi ở công ty cũ mất việc, dù công ty vẫn làm ăn có lãi”, ông Shawn cho hay.
Theo ông Shawn, bản chất của vấn đề nằm ở động lực kinh tế: “Nếu công ty có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng tương tự, mà lại có thể cắt giảm mạnh chi phí nhân công, họ sẽ không từ chối cơ hội đó. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà người lao động không còn là yếu tố nhất thiết phải có để tạo ra giá trị trong một số lĩnh vực công việc”.
Báo cáo của PwC về triển vọng việc làm trên toàn cầu nhấn mạnh, thay vì nhìn nhận AI như đối thủ, người lao động, đặc biệt là giới trẻ, cần học cách làm chủ công nghệ. Các vị trí công việc khó có thể bị thay thế hoàn toàn bởi AI. Các bạn trẻ ngay lúc này cần rèn luyện cách học tập và làm việc hiệu quả hơn cùng với AI, chủ động nâng cấp kỹ năng và thích nghi với bối cảnh mới của thị trường lao động.