Kĩ năng sống

Kỹ năng sinh tồn cần ghi nhớ khi gặp sự cố tàu chìm

21/07/2025 21:35

Mắc kẹt trong tàu thuyền bị lật là tình huống nguy hiểm, tuy nhiên nếu đủ bình tĩnh để xử lý, áp dụng đúng kỹ năng sinh tồn, người gặp nạn vẫn sẽ có cơ hội sống sót.

Chia sẻ với báo Dân trí, bác sĩ Phạm Hoàng Thiên, chuyên khoa Cấp cứu, công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, cho biết khi đi du lịch biển, nếu gặp thời tiết xấu, mưa bão, người dân có thể đối diện nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Du khách có thể đối mặt với nguy cơ bị đuối nước, chấn thương, lo lắng khi tàu gặp sóng to gió lớn. Vì thế, mọi người cần chú ý trang bị các điều kiện, vật dụng an toàn cơ bản trong quá trình du lịch biển.

Hiện trường vụ lật tàu Vịnh Xanh trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh minh họa)
Hiện trường vụ lật tàu Vịnh Xanh trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh minh họa)

Vật dụng cần mang theo khi đi du lịch trên biển gồm: thuốc say tàu, thuốc hạ sốt, bộ sơ cứu cá nhân với bông, băng, thuốc sát trùng; nên mang theo vài đèn pin mini và cái còi (nhất là cho trẻ em). Đặc biệt, ngay trước khi tàu khởi hành, hướng dẫn viên cần giải thích cho phụ huynh và trẻ các hành động cần làm nếu có sự cố, hướng dẫn du khách sử dụng đèn pin và còi khi thất lạc hay cần cứu hộ.

Khi du lịch bằng các phương tiện giao thông trên mặt nước, du khách phải mặc áo phao đúng quy cách cho cả người lớn và trẻ em. Trước khi lên tàu, phà, người lớn cần kiểm tra trước vị trí của thuyền cứu hộ, áo phao, hướng thoát nạn, tiếp đó cần đọc kỹ các hướng dẫn trên tàu như hướng dẫn di chuyển khi gặp tình huống khẩn cấp, theo Tri thức và Cuộc sống. Kế đến, không cho trẻ chạy nhảy, trèo lên lan can hoặc lại gần mép tàu. Cần giám sát chặt chẽ, không để trẻ một mình trên tàu hoặc gần mặt nước.

Trường hợp tàu xảy ra sự cố, có dấu hiệu bị chìm, điều quan trọng là phải giữ được bình tĩnh để xử lý, cũng như lắng nghe kỹ tín hiệu sơ tán. Đối với thuyền lớn, thời gian chìm tàu sẽ khá chậm nên du khách sẽ có thêm thời gian để tìm và chuẩn bị các thiết bị cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là áo phao, phao bơi, ván gỗ nếu có, can nhựa, lương khô.

Trong trường hợp tàu bắt đầu chìm, hãy ném tất cả các vật dụng có thể nổi như can nước, miếng xốp, phao... xuống nước. Nếu có phao cứu sinh, người gặp nạn hãy di chuyển theo sự hướng dẫn của những người điều hành tàu, tuyệt đối không hấp tấp nhảy xuống nước.

Trường hợp không có phao cứu sinh, người gặp nạn cần quan sát xung quanh tìm các vật thể nổi và nhảy về hướng đó. Có nhiều xuồng cứu hộ, hãy tìm cách liên kết chúng lại với nhau bằng dây. Đây là phương pháp quan trọng để để đối đầu với những con sóng lớn, cũng như dễ phát tín hiệu để tàu cứu hộ nhận ra.

Nếu mắc kẹt trong phòng trên tàu, người gặp nạn cần đợi khoang đầy nước mới mở cửa để giảm chênh lệch áp suất. Không mở được bằng tay, hãy dùng vật cứng đập (bình cứu hỏa, ghế…).

Khi tiếp xúc với nước, du khách dùng chân đạp, tay đẩy vào tường/cửa để di chuyển (do áo phao sẽ khiến bạn không lặn được). Không vùng vẫy nếu đã tiếp nước vì càng vùng vẫy thì càng mau bị chìm vì tốn nhiều sức lực. Hít những hơi thật dài, nằm ngửa và thả nổi là một trong những cách giúp bạn tiết kiệm sức, nâng cao cơ hội sống sót ngay cả khi không biết bơi.

Du khách cũng nên hạn chế ăn uống ngay cả khi có lương thực và cần phân bố hợp lý để duy trì đủ nguồn sống cho đến khi được cứu hộ. Nếu gặp trời mưa phải tìm cách hứng. Nước sẽ là yếu tố giúp bạn sống sót nhưng tuyệt đối không uống nước biển vì sẽ gây mất nước và khát hơn. Rong tảo ở biển là thức ăn rất tốt cho sức khỏe và có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở biển.

Trong những tình huống khẩn cấp, người dân cần cố gắng bình tĩnh định hướng, quan sát để tìm hướng về đất liền. Hãy quan sát các loài chim biển, nếu gặp chim biển đang bay, hướng bay của nó sẽ là đất liền, nhất là vào các buổi chiều. Nếu thấy những dấu hiệu của đất liền, bạn hãy sử dụng sức lực để di chuyển về hướng đó. Tận dụng sức gió giúp các bạn trôi về hướng đất liền.

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/ky-nang-sinh-ton-can-ghi-nho-khi-gap-su-co-tau-chim-ar955486.html
Copy Link
https://vtc.vn/ky-nang-sinh-ton-can-ghi-nho-khi-gap-su-co-tau-chim-ar955486.html
Bài liên quan
Những kỹ năng thiết yếu ứng phó với bão số 3
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước bão và mưa lũ sau bão, người dân lưu ý không nên chủ quan, tuân thủ theo các khuyến cáo sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỹ năng sinh tồn cần ghi nhớ khi gặp sự cố tàu chìm