Kỳ thi đánh giá năng lực giúp đổi mới hiệu quả công tác tuyển sinh

Anh Tú | 28/02/2023, 16:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cán bộ quản lý các trường ĐH có đào tạo sư phạm vừa tham gia  tọa đàm Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ. 

Tọa đàm Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức.

Sự cần thiết của kỳ thi cho tiến trình đổi mới thi cử, tuyển sinh

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã đi vào cuộc sống theo lộ trình, hướng việc dạy học theo phẩm chất, năng lực thì việc đánh giá không thể không bám sát theo định hướng này.

"Thực tế, tới thời điểm hiện tại, theo kết quả khảo sát đã có 10 đơn vị trong cả nước công bố tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tên gọi của từng kỳ thi, nội dung và các vấn đề có liên quan cần tiếp tục được xem xét nhưng cần khẳng định vai trò của các kỳ thi này là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay để phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh cụ thể của các trường"- GS Sơn nhấn mạnh.

GS Huỳnh Văn Sơn cho biết Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM được chuẩn bị trong 5 năm với 1 chuỗi nhiệm vụ đặt hàng dựa trên sự tham gia của các chuyên gia trong cả nước, phối hợp với các giảng viên có chuyên môn, các viên chức có kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức thi đánh giá năng lực, với sự hậu thuẫn của hệ thống phòng máy thi đánh giá năng lực chuyên biệt và có một phó hiệu trưởng phụ trách lĩnh vực này.

Sau khi nghiệm thu, trường bắt đầu tổ chức vào năm 2022 cho khoảng hơn 2.000 thí sinh với các bài thi Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Kỳ thi được thực hiện trên máy tính và tiếp cận với định hướng đổi mới công tác khảo thí theo hướng hiện tại, tận dụng công nghệ. Các bài thi được thiết kế gọn nhẹ, hiệu quả, có tính phân loại cao và đánh giá được các năng lực của học sinh trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

"Với bối cảnh tuyển sinh hiện nay, nhiều luồng ý kiến đặt ra, phương thức tuyển sinh nào khách quan khi học bạ đang được cố gắng “sáng hơn”; học sinh tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng cơ bản chưa đồng đều hay có phần bị lệch; tuyển sinh ĐH sẽ tuyển người có kiến thức hay có tư duy... Những luồng ý kiến ấy mục tiêu không gì khác là mong muốn công tác tuyển sinh được thực chất, các trường tuyển được học sinh phù hợp nhất cho mình thông qua việc đổi mới tuyển sinh.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã và đang đổi mới công tác tuyển sinh bằng việc có thêm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Khi mình đã tuyên bố thi xét năng lực thì phải đảm bảo được việc tuyển được thí sinh chất lượng thông qua các công cụ đối sánh, đo lường và cả công tác sàng lọc bằng các bài thi. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị khi triển khai, nên sau thời gian thực hiện nhất định việc đối sánh tính hiệu quả của kỳ thi sẽ rõ ràng" - GS Sơn nói.

PGS.TS Ngô Quốc Đạt, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TPHCM cho biết trường cũng đang trên lộ trình thực hiện chuyển đổi đào tạo dựa trên năng lực đến năm 2025, áp dụng cho tất cả các ngành đại học. Thực tế đào tạo dựa trên năng lực ngành Y khoa tại trường cho thấy những sinh viên được tuyển sinh theo truyền thống xét tổ hợp Toán - Hóa - Sinh, sau 6 năm đào tạo đã có độ vênh nhất định. Điều này dẫn đến định hướng thay đổi về công tác tuyển sinh của nhà trường trong thời gian qua và lộ trình sắp tới.

"Thống kê cho thấy, không phải bạn nào có điểm đầu vào cao đều học chương trình dựa trên năng lực tốt. Nhiều em thủ khoa đầu vào nhưng đến khi ra trường thì rớt xuống gần cuối lớp. Do đó, định hướng của trường là đổi mới tuyển sinh đầu vào để tuyển thí sinh năng lực phù hợp với quá trình học và chuẩn đầu ra" - PGS.TS Quốc Đạt nói.

Kỳ thi đánh giá năng lực giúp đổi mới hiệu quả công tác tuyển sinh ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM học trong thư viện trường.

Kỳ thi đánh giá năng lực cần hướng đến thí sinh

Đó là quan điểm của GS Huỳnh Văn Sơn khi bàn về tính hiệu quả và sự thuận lợi cho thí sinh khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của nhà trường. Vì vậy, ông đưa ra ý tưởng các trường có đào tạo sư phạm sử dụng chung nguồn lực để tổ chức kỳ thi chung cũng như công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để thí sinh thuận lợi hơn trong xét tuyển.

PGS.TS Ngô Quốc Đạt cũng đánh giá cao ý tưởng sử dụng chung nguồn lực của các trường để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, nhằm tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp khối ngành sức khỏe. Đại học Y Dược TPHCM mong muốn tuyển được thí sinh có tư duy phân tích, tổng hợp.

PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) cho biết đây là ý tưởng hay và nên làm. TS Nhân cho biết hiện trường ông đã chấp nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông cũng cho rằng hiện không nên lập quá nhiều trung tâm tổ chức thi đánh giá năng lực mà chỉ nên có hai trung tâm tại Hà Nội và TPHCM. Các trường có thể sử dụng nguồn nhân lực chung để tổ chức tốt kỳ thi năng lực.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cân nhắc sử dụng kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Để làm được một kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Sư phạm TPHCM phải mất ít nhất 5 năm và phải có đội ngũ chuyên gia mạnh. Vì vậy, việc sử dụng nguồn nhân lực chung để có ngân hàng đề thi chuẩn tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất là điều nên làm. Nếu được Trường ĐH Sư phạm TPHCM đồng ý thì trường chúng tôi sẽ cử chuyên gia tham gia xây dựng ngân hàng đề thi cùng" - PGS.TS Thành Nhân nói.

Chia sẻ thêm về kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của trường, Th.S Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo cho biết: Năm nay các phương thức xét tuyển riêng của các trường được chuyển thành các phương thức xét tuyển sớm. Đây là điều kiện để các thí sinh có thể chủ động lựa chọn cho mình một cơ hội sớm nhất.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay dành từ 30-40% tổng chỉ tiêu. Với 6 bài thi gồm: Toán học, Vật lý, Ngữ Văn, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh (làm hoàn toàn trên máy tính tại các điểm thi do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức) thí sinh đăng ký vào ngành nào thì sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực môn chính để làm kết quả kết tuyển (xét tuyển kết hợp điểm thi bài thi đánh giá năng lực và kết quả học tập THPT).

Điểm đặc biệt của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm TPHCM là cho phép thí sinh được bảo lưu kết quả để xét tuyển trong hai năm, vì vậy học sinh lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký thi để sử dụng xét tuyển cho năm sau đó.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển theo phương thức “Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2023” với điều kiện năm học 2022-2023 có học lực xếp loại Giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tuyển tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên. Thí sinh không đăng ký xét tuyển vẫn được đăng ký dự thi nếu có nhu cầu.

Năm 2022-2023, Trường ĐH Sư phạm TPHCM dự kiến tổ chức 2 đợt thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Đợt 1 sẽ thi tại TPHCM trong hai ngày 13 và 14/5. Đăng ký trực tuyến (dgnl.hcmue.edu.vn) từ ngày 20/3 đến 25/4. Ngày 5 đến 10/5 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 25 đến 30/5 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.

Đợt 2 sẽ thi tại TPHCM và Long An/Bình Dương từ ngày 10 đến 15/7. Đăng ký trực tuyến từ ngày 1 đến 30/6. Ngày 1 đến 5/7 nhận giấy báo dự thi qua email đã đăng ký. Ngày 23 đến 28/7 nhận kết quả thi qua email hoặc tra cứu trên website.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi đánh giá năng lực giúp đổi mới hiệu quả công tác tuyển sinh