Cũng trong ngày thi Đại học, các bậc phụ huynh thường chuẩn bi cơm trưa cho con cái. Các thí sinh đi thi sẽ tránh ăn súp rong biển vào ngày Suneung vì quan niệm rằng món ăn này quá trơn và sẽ khiến họ bị trượt.
Theo SCMP, trung bình mỗi học sinh Hàn Quốc bắt đầu ôn luyện thi Đại học từ lúc 13-14 tuổi. Mục tiêu của họ là thi đỗ các trường đại học danh giá, nổi bật nhất là bộ 3 "SKY" (bao gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei). Thực tế, các tập đoàn thống trị kinh tế Hàn Quốc hầu như chỉ tuyển dụng sinh viên từ ba đại học hàng đầu này.
"Một số sinh viên cảm thấy việc tốt nghiệp từ các trường đại học khác không có ý nghĩa. Đây đã là quan niệm của cả xã hội", Ty Choi, giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk nói về 3 trường Đại học hàng đầu Hàn Quốc.
Để thi đậu Đại học, một học sinh sẽ kết thúc giờ học chính ở trường vào khoảng 16h, sau đó các em tiếp tục miệt mài ôn luyện ở các hagwon (trường luyện thi tư nhân) hay học với gia sư riêng. Lịch học dày đặc, kéo dài tới 16 giờ/ngày không chỉ khiến học sinh kiệt sức, mà cha mẹ các em cũng tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi năm.
Thế nhưng, quan điểm "tứ ngủ lạc" (ngủ 4 tiếng/đêm, sĩ tử sẽ có cơ hội vào đại học; nếu ngủ 5 tiếng/đêm, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trở thành sinh viên) đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người trẻ Hàn Quốc. Cường độ học tập lớn, áp lực phải thi đỗ một trường Đại học khiến nhiều em học sinh rơi vào trầm cảm.
"Ngày nào cũng thế, cuộc sống của hầu hết học sinh trung học ở Hàn Quốc chẳng khác nào địa ngục. Ngay khi học kỳ mới bắt đầu, trường học trở thành một nơi đáng sợ. Em chỉ được ngủ 3 tiếng mỗi ngày", một nam sinh cuối cấp từng tâm sự trên World of Buzz.
Theo nam sinh, ngay từ lớp 1, sự căng thẳng, cạnh tranh giữa các học sinh đã rất khốc liệt. Ai cũng đặt mục tiêu trở thành sinh viên cao đẳng, đại học. Bởi vậy cậu thấy trường học đã trở thành một đấu trường mà chỉ có người ưu tú mới vào được.
"Em thấy mông lung và lo lắng về tương lai. Liệu em có thể thi đỗ trường đại học theo nguyện vọng? 20 năm nữa sẽ ra sao? Em sẽ kiếm được công việc ổn định chứ?", nam sinh tự hỏi. Trong hành trình ôn thi Đại học, đã có nhiều thời điểm nam sinh cảm thấy chán nản và nghĩ đến tình huống tồi tệ nhất.
Trong khi đó, Lee Mirae (23 tuổi) - một cô gái Hàn Quốc cũng điều trị chứng trầm cảm vì kỳ thi Đại học như bao người trẻ khác. Cô gái cảm thấy lo sợ suốt thời gian dài vì đã không vào được ngôi trường mơ ước.
"Tôi không được nhận vào trường đại học mong muốn. Tôi lo lắng đến mức sợ phải rời khỏi phòng, sợ bị so sánh với những người khác trong suốt quãng đời còn lại", Mirae tâm sự.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực học tập, kỳ thi Suneung vẫn là lựa chọn hàng đầu của học sinh và phụ huynh trong mơ ước "đổi đời" của học sinh, phụ huynh ở xứ sở kim chi. Và sau mỗi kỳ tuyển sinh, cứ nhìn hàng dài học sinh và người nhà xếp hàng dài tại các điểm trường thi đã cho thấy độ cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi đại học tại quốc gia này.