(GDTĐ) - Phải rất nhiều năm sau cuộc chiến, tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng Trung tướng Nguyễn Hữu Hạ - thủ trưởng thời chống Mỹ của tôi.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi may mắn được sống và chiến đấu cùng ông ở mặt trận Tây Nguyên-Sài Gòn một thời gian tương đối dài.

Là lính 2W tiểu đoàn, không ít lần tôi trực tiếp đi với ông trong những trận đánh rất ác liệt. Dù ở cương vị cán bộ đại đội hay tiểu đoàn, bản lĩnh và sự gan dạ của ông luôn đem đến cho cánh lính chúng tôi một niềm tin đặc biệt.

273879412_796974235027502_9127267284006376121_n.jpg
Trung tướng Nguyễn Hữu Hạ ngồi trước và một đồng đội trinh sát năm 1972 tại Tây Nguyên

Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi ra Bắc đi học rồi chuyển ngành, ông vẫn bôn ba trận mạc. Hết cuộc chiến biên giới Tây Nam đến nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia rồi biên giới phía Bắc…

Mặc dù đã ra quân khá lâu nhưng dù ở đâu, tôi vẫn luôn dõi theo những thăng trầm trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Không ít lần tôi tự hào kể với bạn bè và các con cháu của mình rằng: “Đã từng có một thời là đồng đội, là chiến sĩ của ông”.

Trong một lần đến thăm ông, chúng tôi được ông kể về trận đánh trên Cao điểm "Delta" 1049, Bắc Kon Tum:

“… Mấy ngày trước, một đơn vị của ta đã tấn công Cao điểm 1049 nhưng không dứt điểm được. Lực lượng địch trong căn cứ được tăng cường thêm các tiểu đoàn của lữ dù. Hỏa lực tại chỗ vốn đã mạnh còn có sự hỗ trợ tối đa của phi pháo nên 1049 thực sự là thách thức rất lớn. Đã vậy căn cứ địch chốt trên điểm cao độ dốc lớn, khi quân ta vận động tấn công lên gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng ta quyết tâm bằng mọi giá phải giải quyết được cao điểm 1049. Bởi vị trí quân sự này khống chế toàn bộ khu vực thị xã Kon Tum. Lệnh của Sư đoàn cho các đơn vị nhanh chóng giải quyết Cao điểm 1049.

Ngày đó tớ là lính trinh sát. Mà dân trinh sát bao giờ cũng xung trận đầu tiên. Đêm mùng 2/4/1972, tiểu đội trinh sát bọn tớ bí mật tiếp cận căn cứ địch. Khi bò qua mấy lớp hàng rào phía ngoài, bọn tớ phát hiện thấy một số liệt sĩ của đơn vị bạn đánh vào căn cứ tuần trước vẫn còn nằm lại. Có lẽ phải rút lui dưới hỏa lực quá khốc liệt của địch, đơn vị bạn chưa thể đón liệt sĩ đi cùng, đành tạm để lại. Thương anh em lắm nhưng bọn tớ vẫn phải lo tháo gỡ mìn, cắt hàng rào và xác định các vị trí hỏa lực của địch trong căn cứ để hôm sau bộ binh giải quyết trận địa.

273877155_237758211799473_4266158175299374532_n.jpg
Trung tướng Nguyễn Hữu Hạ (bên phải) trong sự kiện thuộc Sư đoàn 320A.

…Rồi nhiệm vụ trinh sát trận địa cũng xong. Lúc quay ra bọn tớ bàn nhau tìm cách đưa các liệt sĩ ra vị trí an toàn hơn để bộ phận vận tải C25 lên đón anh em về an táng. Vẫn biết sớm muộn gì sau khi giải quyết căn cứ của địch đơn vị cũng sẽ đưa anh em về. Nhưng nghĩ đến việc ngày mai khi quân ta đánh vào cứ điểm, thi thể các đồng đội nằm phơi mình hứng chịu hai làn hỏa lực khốc liệt từ hai phía không thể cầm lòng. Để chuyển số liệt sĩ ra khỏi khu vực trận địa của địch không dễ dàng gì. Đây là công việc thực sự nguy hiểm và gian nan.

Bọn địch biết bằng mọi giá chúng ta sẽ cho người vào đón liệt sĩ. Vì vậy chúng lợi dụng thi thể anh em làm bẫy sát thương lực lượng vào lấy tử sĩ. Thường sau những trận đánh như thế, bọn địch trong căn cứ mò ra tìm cách gài mìn dưới thi thể chiến sĩ đã hy sinh, chỉ cần bộ phận chính sách của ta sơ suất nhấc hoặc di chuyển thi thể một chút là mìn nổ tức thì.

Bọn tớ hết sức thận trọng tháo gỡ, vô hiệu những chiếc bẫy nguy hiểm đó. Sau khi kiểm tra thấy đã an toàn, một chiến sĩ trinh sát bò đến nằm bên người đồng đội hy sinh để bạn mình lật thi thể tử sĩ úp lên lưng. Công việc tiếp theo của bọn tớ là cõng thi thể liệt sĩ trên lưng, trườn bò trên mặt đất chui qua những lớp hàng rào dây thép gai ra khu vực an toàn hơn…”.

Giọng của Trung tướng trầm hẳn xuống: “Ông biết đấy, thi thể của anh em nằm ngoài trời mưa nắng đã bắt đầu phân hủy và có mùi rất nặng. Lúc cõng thi thể đồng đội trên người trườn, bò hàng trăm mét, bọn mình chỉ nghĩ làm sao sớm đưa được đồng đội về nơi an táng”.

Kể đến đây, vẻ mặt của vị Trung tướng bỗng trở nên trầm tư, ánh mắt hướng về bức di ảnh người anh trai của ông hy sinh năm 1972, đặt trên ban thờ… Ngưng giây lát Trung tướng kể tiếp:

“… Buổi sớm hôm đó, như mọi lần hỏa lực của ta cấp tập vào Cao điểm 1049, các đơn vị bộ binh sẵn sàng chờ lệnh xuất kích. Rất lạ, không hiểu sao sau đợt pháo kích của ta không thấy một chút động tĩnh gì trong căn cứ. Bọn địch không mảy may có một chút phản ứng gì.

Nhiệm vụ của cánh trinh sát bọn tớ là nắm tình hình sát sao và báo cáo kịp thời về chỉ huy sở. Từ bên kia đầu dây thủ trưởng chỉ thị cho tớ nhanh chóng thâm nhập vào trong căn cứ xem tình hình thực hư thế nào. Bọn địch còn ở đấy hay đã rút chạy rồi…!

Nói thực lòng, nhận lệnh của thủ trưởng, trong đầu cũng có chút ngài ngại, chả biết bọn địch đã rút hay vẫn còn trong căn cứ. Mấy thằng trinh sát lọt vào trong đó mà bọn địch vẫn còn thì mệt đấy…

Nghĩ vậy, nhưng đã là người lính chỉ có thể đón nhận và hoàn thành nhiệm vụ. Mấy thằng bọn tớ khẩn trương tìm cách chui vào căn cứ nắm tình hình. Việc đột nhập vào căn cứ khá suôn sẻ, đúng là không còn tên địch nào trong căn cứ, có lẽ ngay từ lúc hỏa lực của ta bắt đầu bắn bọn chúng đã rút chạy theo một con đường bí mật xuống chân điểm cao. Rất có thể thượng cấp của chúng ở Quân khu 2 dự tính không thể giữ được căn cứ nên lệnh rút bỏ.

Bọn tớ kiểm tra hầu như cơ sở vật chất vũ khí nặng, đạn dược, trang thiết bị của chúng đều bỏ lại, cả một kho hậu cần lớn gần như nguyên vẹn. Sau khi nghe báo cáo tình hình, thủ trưởng lệnh cho bộ phận trinh sát có nhiệm vụ đón một số cán bộ cấp trên vào căn cứ xác minh việc địch đã rút chạy…

Trời sáng rõ, nắng bắt đầu lấp lóa, lúc này bộ phận cán bộ vào xác minh cũng hoàn thành công việc của họ. Tớ nhận được chỉ thị gấp của thủ trưởng: “Trinh sát khẩn trương mở đường mới, dẫn bộ phận cán bộ nhanh chóng rút khỏi căn cứ an toàn, địch sắp đem máy bay đến oanh tạc hủy trận địa…!”.

273888998_1423243204760843_7547191387936382080_n.jpg
Trung tướng Nguyễn Hữu Hạ ( ngoài cùng bên phải)

Vì phải ra theo con đường mới nên bọn tớ vừa cắt đường vừa dò và gỡ mìn cho bộ phận cán bộ đi sau. Xung quanh căn cứ, địch gài vô số mìn và lựu đạn. Nếu tháo gỡ hết số mìn trên đường ra sẽ mất khá nhiều thời gian. Máy bay địch có thể oanh tạc bất cứ lúc nào. Tớ bàn với mấy tay trinh sát, tốt nhất cứ phát hiện thấy có mìn là đánh dấu cảnh báo cho bộ phận đi sau biết vị trí nguy hiểm để tránh.

Cũng may xung quanh căn cứ lúc đó, bọn địch rải rất nhiều truyền đơn. Bọn tớ cứ phát hiện thấy dây mìn giăng ngang là lấy một tờ truyền đơn kẹp vào sợi dây để cảnh báo phải bước chân qua dây mìn. Vừa đúng lúc bọn tớ đưa được mấy ông cán bộ của đoàn kiểm tra đến khu vực an toàn thì bọn AD6 thi nhau lao xuống căn cứ ném bom.

Tiếng ầm ầm của bom hòa cùng tiếng nổ râm ran của kho đạn trong căn cứ nghe như pháo đêm 30 Tết, khói đen bốc lên mù mịt. Có lẽ bọn địch ở Quân khu 2 thấy không thể giữ được Cao điểm 1049 nên dùng căn cứ làm mồi giăng bẫy, chờ đại quân của ta tiến vào dùng bom hủy diệt…”.

Bị cuốn theo câu chuyện của Trung tướng, tôi cứ ngỡ như ngày nào theo ông nơi trận mạc. Chỉ đến khi bàn tay rắn chắc của ông đặt lên vai, mới khiến tôi trở về thực tại. Người thủ trưởng cũ nhìn tôi thân mật: “Trưa nay tớ chiêu đãi món gà nướng dưới nhà hàng Mạnh Hoạch, xem có ngon bằng bữa gà rừng ngày ông đi với C7 đánh đường 14 không?”.

Ngồi bên Trung tướng, tôi tâm sự: “Câu chuyện của anh thật nhân văn. Em nghĩ cần được viết lại cho các thế hệ sau hiểu về cuộc chiến một cách chân thực”.

Ông cười: “Lớp trẻ bây giờ liệu có ai đọc không mà viết? Thôi cứ để những câu chuyện như thế cho những lần gặp nhau. Anh em mình ôn lại kỷ niệm về một thời đạn lửa…”.

Tôi tin vẫn còn có rất nhiều người đọc những câu chuyện chân thực về người lính trong cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước.

Bài liên quan
Bổ nhiệm phó Chỉ huy trưởng và Tham mưu trưởng bộ đội biên phòng Hà Giang
(GDTD) - Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang vừa bàn giao chức trách, nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng giữa Đại tá Hoàng Ngọc Định và Đại tá Nguyễn Xuân Thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức của một vị tướng về Cao điểm 1049