Sự hung hăng của ông trên ghế huấn luyện giúp tuyển Việt Nam gần như áp đảo toàn diện các đối thủ trong khu vực: các ĐT Việt Nam chỉ thua vỏn vẹn 2 trận trước các đối thủ cùng khu vực trong suốt hơn 5 năm. Guus Hiddink, Bert van Marwijk, Sven Goran Eriksson… đều từng là bại tướng dưới tay HLV Park.
Điều khiến bóng đá Việt Nam chịu ơn ông Park, không đơn thuần là 5 năm đáng nhớ đã qua, mà còn bởi ông đã đưa nền bóng đá trở lại với vị thế lẽ ra chúng ta nên có được từ lâu.
Thầy Park đã chọn cách dừng lại sau 5 năm. Công bằng thì đây là thời điểm hợp lý. Trong thời gian cuối cùng, nhiều hạn chế của HLV người Hàn Quốc đã xuất hiện. Không ít các ngôi sao tuyển Việt Nam bắt đầu thể hiện độ ì, một kiểu biểu hiện rất rõ của triều đại đã tồn tại quá lâu và cần sự thay đổi.
Tuy nhiên, thay đổi thế nào sau khi ông Park ra đi không phải câu chuyện đơn giản. Nếu coi sự phát triển của bóng đá Việt Nam là một biểu đồ, thì suốt 5 năm qua, những mũi tên đã liên tục đi lên. Không dễ nếu không muốn nói là cực khó để người kế nhiệm lặp lại được sự thăng tiến kiểu này.
Thái Lan và Việt Nam đều đang chưa thể tiến ra châu Á. Ảnh: Y Kiện. |
Nhìn lại vào thực tế, bóng đá Việt Nam còn có thể đi xa đến đâu? Chúng ta đã bước vào Vòng loại World Cup thứ ba khu vực châu Á, lọt vào tứ kết Asian Cup, giành HCV SEA Games, Á quân VCK U23 châu Á với thầy Park.
Kỳ vọng bóng đá Việt Nam vượt qua được thành tích có được cùng ông Park liệu có phải điều viển vông? Câu trả lời là có. Chúng ta đã tìm lại vị thế lẽ ra phải có, nhưng lọt vào Top 4 Asian Cup, vô địch châu Á và tìm vé tới World Cup 2026 là mục tiêu không tưởng. Không nên lấy các mục tiêu kiểu này và kỳ vọng người kế nhiệm ông Park cùng thế hệ cầu thủ hiện tại sẽ chạm lấy chúng trong thời gian tới.
Bóng đá Việt Nam đã tìm lại chính mình thời Park, nhưng chưa là gì so với châu lục. Quãng thời gian chững lại quá lâu khiến chúng ta vẫn đang chật vật ở những bước cơ bản nhất.
Thái Lan với Kiatisuk trên ghế HLV đã lọt vào Vòng loại thứ ba của World Cup từ năm 2015. Nhưng giờ “Voi chiến” ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á? Họ vẫn chưa tới được World Cup, thậm chí tiến sâu tại Asian Cup.
Thế hệ xuất sắc của bóng đá Thái Lan với Theerathon, Chanathip, Teerasil Dangda… đều đã xuất ngoại, thậm chí khẳng định đẳng cấp ở J.League, nhưng không đủ để làm nền chuyện ở cấp độ ĐTQG, và thay đổi bộ nhận diện vùng trũng.
Bóng đá Việt Nam không cần nhìn đâu xa. Chúng ta chỉ cần nhìn vào Thái Lan để thấy việc đặt mục tiêu và chinh phục không phải câu chuyện trên bàn giấy. Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường… đều đã thất bại nặng nề trong hành trình xuất ngoại.
Nhiều CLB tại V.League vẫn đang loay hoay trong bài toán đầu tư, thậm chí sinh tồn khi giải đấu còn chưa bắt đầu. Thái Lan đều làm tốt hơn hẳn Việt Nam ở hai khâu này, nhưng vẫn chẳng là gì ở cấp độ châu Á.
Sau quãng thời gian thăng tiến vượt bậc cùng thầy Park, bóng đá Việt Nam có thể đã vượt qua ao làng Đông Nam Á, nhưng vẫn còn chặng đường dài để tiến ra biển lớn châu lục. Chúng ta và Thái Lan đều đang ở vùng nước lợ, nơi tiến lên sẽ chỉ nhìn thấy lưng những con cá lớn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia), mà lùi thì lại nhận sự dè bỉu từ ao làng (Indonesia, Malaysia).
Thời kỳ hậu Park Hang-seo của bóng đá Việt Nam vì vậy sẽ tuyệt đối không đơn giản. Thậm chí, có thể buồn với những CĐV đã quá quen với chiến thắng và những giây phút tung hô.
Nhìn nhận thời thế và lựa chọn thái độ phù hợp sẽ giúp quãng thời gian này bớt khắc nghiệt. Những vinh quang tột cùng với HLV Park giờ đã là chuyện của ngày hôm qua.