Dù chỉ ít giờ ngắn ngủi, gặp nhau ở nơi đầu sóng, ngọn gió, song những con người xa lạ đã truyền tải cho nhau nghị lực sống phi thường.
Để rồi mỗi đứa trẻ nơi đảo xa lại tự hứa sẽ phấn đấu để trở thành “những chiến sĩ” nhí kiên trung giữa Trường Sa đầy bão tố...
Giữa tháng 4, tôi có chuyến ra quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác số 10. Trong cái nắng gay gắt đầu hè, cùng những cơn gió nóng mang theo vị mặn chát của muối biển rít liên hồi, thầy Lê Xuân Hạnh (sinh năm 1968) vẫn miệt mài với bài giảng cho học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Biết có đoàn công tác từ đất liền mới ra, song đang giờ dạy nên thầy hẹn đoàn chờ thêm thời gian. Bên chén trà nóng hổi còn nghi ngút khói, tranh thủ ít phút ngắn ngủi giờ giải lao, thầy Hạnh kể biết bao là chuyện về từng đứa trẻ ở thị trấn bé nhỏ này. Tất cả như gửi gắm nỗi nhớ thương về với đất liền.
Thầy nhớ đến đặc điểm, thói quen, khả năng của từng học sinh như chính con em trong nhà. Sợ mải chuyện nên quên mất “việc lớn”, thầy đặt tạm chén trà, vội lục tìm trong tủ bức thư mà thầy trò gói ghém biết bao tâm tư, muốn gửi về đất liền cho một phóng viên đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội.
Theo lời thầy Hạnh kể, cách đây không lâu, có đoàn công tác từ đất liền ra đảo. Nữ phóng viên – làm việc cho một tờ báo Trung ương là thành viên của đoàn - tên là Phương Thảo đã có thời gian tiếp xúc, chuyện trò với đám trẻ đang theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Và rồi, từ những người xa lạ, họ đã truyền cảm hứng, nghị lực cho nhau để cùng cố gắng, vươn lên.
“Cô Phương Thảo và các cháu đã có một buổi đi chơi với nhau quanh đảo. Khi về đất liền, cô đã viết thư rồi gửi theo tàu công tác ra ngoài này. Trong thư, cô kể về kỷ niệm mấy cô cháu dạo chơi; về những nghị lực phi thường mà các bạn nhỏ ngoài đảo đang trải qua cho con cô nghe như một nguồn cảm hứng để giáo dục thế hệ trẻ”, thầy Hạnh kể và cho biết thêm:
"Trong thư, cô ấy động viên những “chiến sĩ nhỏ” kiên cường hãy ở lại và cố gắng học tập. Cô Thảo rất cảm động khi thấy học sinh của tôi còn nhỏ song lại đang sinh sống ở một quần đảo xa xôi, đầy thiêng liêng như vậy. Đó là nghị lực mà cô muốn truyền tải đến các con của mình với mong muốn các con khôn lớn, kiên cường như học sinh của tôi ngoài đảo xa".
Lá thư gửi về từ Trường Sa của Triệu Vy, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. |
Nhà báo Phương Thảo chụp ảnh cùng học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. |
Ngay sau khi nhận được lá thư từ cô Phương Thảo, thầy Hạnh cùng học sinh Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa vội vã viết thư hồi âm. Những lá thư đều được mỗi cá nhân tự hoàn thiện trong hai ngày 10 - 11/4 với biết bao tâm trạng. Trên hết, đó là niềm vui bởi sợi dây gắn kết giữa những con người từng xa lạ nay rất đỗi thân quen. Thầy trò gói gọn các lá thư vào một phong bì chung do Trương Nguyễn Triệu Vy, lớp 3 Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa tự chế, chờ tàu ra để sớm gửi về đất liền.
Trong thư của Triệu Vy có đoạn viết: “Cháu vừa nhận được lá thư của cô gửi cho từng bạn nhỏ ở Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa..., đó là một phần quà vô cùng quý giá vì lá thư này đã vượt hàng nghìn cây số trong đất liền, rồi lại lên tàu, trải qua hơn 200 hải lý, biết bao nhiêu sóng biển hòa chung với chất muối mặn nồng, thắm đượm tình cảm bao la của cô đã dành cho chúng cháu”.
Từ tình cảm, niềm động viên kịp thời, Triệu Vy hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi, vâng lời thầy cô, ông bà và cha mẹ. “Cháu xin cảm ơn tình cảm của cô dành cho cháu ạ. Cháu hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là một người chiến sĩ nhỏ trên vùng đảo Trường Sa thân thương của Tổ quốc”, Triệu Vy viết.
Trong trang thư nhỏ, Triệu Vy còn không quên vẽ vội một bức tranh hết sức giản dị giữa 2 cô cháu trong một buổi chiều dạo chơi ở đảo Trường Sa. Cạnh hàng cây bàng vuông, hai cô cháu cùng nhau thả diều, bắt bướm, xa xa là nền trời xanh với những con chim hải âu cất cánh trong không gian yên bình.
Còn Vi Quý Đăng, lớp 2 Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, trong chưa đầy 100 chữ viết vội cũng xin hứa sẽ là “hạt cát” kiên cường của quần đảo Trường Sa. “Hôm nay con nhận được lá thư cô Thảo gửi cho con. Con mừng lắm và đọc hết toàn bộ nội dung bức thư. Con vô cùng xúc động. Con xin hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ để xứng đáng làm hạt cát kiên cường của Trường Sa”, nội dung thư viết của Quý Đăng.
Thầy Lê Xuân Hạnh cùng cô trò nhỏ Triệu Vy. |
Triệu Vy cùng nữ nhà báo Phương Thảo dạo chơi trên đường băng sân bay Trường Sa. |
Mọi sợi dây tình cảm giữa biển – bờ đều xuất phát bởi hai chữ “tình cờ”. Một nữ nhà báo cùng thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa gặp nhau cũng bởi sự “tình cờ”. Thầy Hạnh gửi gắm tâm trạng của mình với nữ nhà báo cũng bởi hai chữ “tình cờ”.
Trong thư, thầy Hạnh gửi nữ nhà báo có nói đến điều này. “Cô Thảo thân mến! Mới đây có một đoàn công tác ghé lại thăm đảo Trường Sa. Họ đã trao những bức thư mà cô Thảo gửi tặng cho các cháu. Tình cờ tôi đọc những dòng chữ mà cô đã gói lại thành một tình cảm đầy lưu luyến, gửi tặng cho bao tâm hồn trẻ thơ đang sống và học tập trên vùng đảo Trường Sa thân thương của Tổ quốc”. Trong lá thư gửi cô Thảo, thầy Hạnh gửi kèm những dòng thơ:
Ở nơi đây là một vùng biển lớn
Mỗi một con người là hạt cát vàng của đại dương
Luôn vững chãi một niềm tin với đất nước
Xây dựng, giữ gìn một quần đảo Trường Sa
Qua việc tình cờ đọc thư và biết được tình cảm giữa hai đầu nỗi nhớ: Biển - bờ của cô cháu, thầy Hạnh thay mặt những nhà giáo đang công tác tại quần đảo Trường Sa ghi nhận và cảm ơn những gì mà nữ nhà báo “thổi” vào nghị lực sống cho học sinh nơi đây. Thầy Hạnh tin rằng, từ nguồn động viên của nữ nhà báo Phương Thảo cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình cảm mà thành viên các đoàn công tác từ đất liền mang đến sẽ là nguồn động lực để quân dân huyện đảo Trường Sa vững tin trước bão táp, mưa sa.
“Tôi tin tưởng rằng, các cháu ở đây sẽ mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm trong những năm tháng sống, học tập ở đảo và ghi nhận tất cả những tình cảm từ mọi miền đất nước quan tâm hướng về Trường Sa”, thầy Hạnh viết. Cuối thư, thầy Hạnh đã gửi tặng nhà báo Phương Thảo bài thơ “Xuân về nơi đảo xa”. Bài thơ chứa đựng biết bao tình cảm của cá nhân thầy với mỗi tấc đất thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió này.
Nằm yên nghe sóng vỗ
Lặng thầm cùng thời gian
Chợt én bay khắp đảo
Nắng vàng “vui” tung tăng
Trải thảm vàng khắp lối
Hàng cây xanh trĩu lá
Chồi non bừng “tỉnh giấc”
Nụ hoa “chúm chím cười”
Đón chào nàng xuân đến
Biển “vui” xanh màu ngọc
Dập dềnh con tàu đi
Mang bao niềm thương nhớ
Mang bao sắc xuân hồng
Từ mọi miền đất nước
Gửi về nơi đảo xa
Nơi đầu sóng ngọn gió
Các anh đón Xuân về.
Vì một Trường Sa vững chãi
Khi cái nắng gay gắt của buổi chiều đầu hè dịu xuống cũng là lúc đoàn công tác số 10 phải chia tay thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Qua buổi chiều tiếp xúc, trò chuyện với quân, dân trên đảo, mỗi thành viên đoàn, ai nấy đều khâm phục ý chí, niềm tin, sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân nơi đây.
Phút chia tay, ai cũng nghẹn ngào khi lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” từ các ca sĩ nhí nhà trường vang lên dưới tán lá bàng vuông. “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”.
Bài hát được vang vọng dưới góc sân trường nhỏ hẹp như một minh chứng cho sức sống trường tồn của Trường Sa. Theo chia sẻ của nhân dân ở quần đảo Trường Sa, hầu hết trẻ nhỏ ở đây đều thuộc làu lời thơ “Quê em ở Trường Sa”. Các em sinh ra, lớn lên và học tập tại Trường Sa là những người cảm nhận rõ nhất về cuộc sống nơi đây.
“Trường Sa được bảo vệ, xây dựng và phát triển bằng mồ hôi và máu xương của các thế hệ cha ông đi trước. Truyền thống hào hùng ấy sẽ được tiếp nối bằng chính tình yêu biển đảo của những đứa trẻ đang ngày ngày gắn bó với quần đảo này. Các em chính là mầm xanh vươn lên từ muối mặn biển Đông, là hạt cát nhỏ kiên cường đắp xây tương lai của một Trường Sa vững chãi”, lời nhắn nhủ của nữ nhà báo Phương Thảo với các “chiến sĩ” nhí ở đảo Trường Sa.