Ông Đinh Trung Tuấn mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan, kiến nghị với Chính phủ tiếp tục giao bổ sung biên chế. Mục tiêu là đảm bảo định mức số lượng người làm việc theo quy định đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục tỉnh Lai Châu năm học 2023 – 2024 và những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định, hướng dẫn cách thức tuyển dụng phù hợp đối với giáo viên.
Cùng với đó, nghiên cứu tham mưu Chính phủ có chính sách tiền lương mới phù hợp đối với giáo viên nói chung để tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo sự thu hút và động lực cho giáo viên công tác tại những vùng này.
NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu. |
Để đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, NGƯT Đinh Trung Tuấn kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ phân bổ ngân sách trung ương cho các địa phương và cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định 116 trên cơ sở chỉ tiêu đào tạo của Bộ. Như vậy, sẽ giảm bớt khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Lai Châu.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định, cơ chế ràng buộc sinh viên sư phạm thuộc diện địa phương “đặt hàng”. Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tham gia dự tuyển dụng giáo viên tại địa phương. Nếu sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, sinh viên không trúng tuyển tại địa phương thì phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Như vậy, sẽ giúp cho các địa phương tăng nguồn tuyển dụng giáo viên.