Đất ở qua khu vực dự án có diện tích khoảng 3,1 ha, sẽ phải thực hiện giải phóng mặt bằng 285 ngôi nhà tôn, 176 ngôi nhà tạm, 36 nhà cấp 4, 13 ngôi nhà một tầng, 33 ngôi nhà hai tầng, 33 ngôi nhà ba tầng và 5 ngôi nhà bốn tầng.
Về hiện trạng tuyến, hiện đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì có quy mô 2 làn xe, mặt cắt ngang 12 m, trong đó đường xe chạy rộng 11 m. Mặt đường hiện tại là đường bê tông nhựa được đầu tư xây dựng và khai thác từ năm 2004, trải qua nhiều đợt duy tu sửa chữa khác nhau nên kết cấu thiếu sự đồng nhất.
Toàn tuyến sẽ xây dựng 10 nút giao, bao gồm: nút giao đường nối Hợp Thịnh - Hội Hợp; giao Quốc lộ 2C; giao Vành đai 3 TP Vĩnh Yên; giao tuyến tránh TP Vĩnh Yên; giao đường vào xã Đại Đồng; giao ĐT.309; giao đường trung tâm huyện Vĩnh Tường; giao ĐT.304; giao Quốc lộ 2 cũ và giao đường đi cầu Việt Trì cũ.
Các nút giao sẽ được thiết kế theo dạng cùng mức đơn giản hoặc đảo xuyến, ngã ba hoặc ngã tư. Trong giai đoạn trước mắt, các vị trí tuyến giao cắt với quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ được thiết kế giao bằng.
Do trên tuyến đã có các nút giao hiện hữu cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn và khả năng vận hành, vì vậy thiết kế các nút giao dựa trên cơ sở giữ theo dạng đang khai thác, bố trí lại sơ đồ để phù hợp với quy mô mở rộng tuyến đường.
Bên cạnh đó, trên tuyến Vĩnh Yên - Việt Trì sẽ có 3 cây cầu, bao gồm cầu Bãi Loan (14 m); cầu Kiệu (26 m) và cầu Thượng Lạp (25,5 m). Mặt cắt ngang của các cầu sẽ dao động 18 - 25,5 m.
Về tiến độ, giai đoạn quý I - quý IV/2023 dự án sẽ giải phóng mặt bằng. Từ quý I/2024 sẽ bắt đầu thi công phần đường và cầu, tiến độ xây dựng trong 24 tháng, hoàn thành vào quý I/2025.
Tổng mức đầu tư của tuyến đường là 1.258 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 528 tỷ đồng; chi phí xây dựng chiếm khoảng 508 tỷ đồng; chi phí dự phòng 175 tỷ đồng...
Theo kế hoạch, năm 2023, Vĩnh Phúc sẽ dành 8.983 tỷ đồng vốn đầu tư công cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 345 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 7.344 tỷ đồng.
Dự kiến nguồn vốn trên sẽ được ưu tiên cho các dự án xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án giao thông, từng bước hoàn thiện các tuyến vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 đô thị Vĩnh Phúc.
Cụ thể, đối với nguồn vốn Trung ương giao, Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng 100 tỷ đồng xây dựng dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô; dành trên 204 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp, dự án mới. Với nguồn vốn ngân sách địa phương, tỉnh sẽ phân bổ 30% về cấp huyện, 30% cho các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn vay ODA, các dự án trọng điểm, các dự án chuẩn bị đầu tư và các chương trình, nhiệm vụ theo nghị quyết của HĐND tỉnh.
Trong số 9 huyện, thành phố, Phúc Yên được phân bổ vốn đầu tư công nhiều nhất, với trên 205 tỷ đồng. Tiếp đến là TP Vĩnh Yên gần 174 tỷ đồng; huyện Tam Dương có vốn đầu tư công được phân bổ thấp nhất trong năm 2023, với 95 tỷ đồng.
Đối với các ngành, lĩnh vực, nguồn vốn được ưu tiên cho các chương trình, hoạt động, lĩnh vực kinh tế với trên 174 tỷ đồng, lĩnh vực an ninh và trật tự xã hội trên 230 tỷ đồng.