Văn hóa

Làm gì để điện ảnh Việt bứt phá?

10/07/2024 09:38

Câu chuyện cần làm gì để thúc đẩy điện ảnh Việt có sự bứt phá xứng với tiềm năng thì vẫn còn đó không ít trăn trở, âu lo.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II) khép lại cùng niềm vui phim Việt - “Cu li không bao giờ khóc” được xướng tên ở ngôi vị cao nhất khi so tài với những bộ phim đến từ các nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…: Phim châu Á hay nhất.

Vậy nhưng, dường như câu chuyện cần làm gì để thúc đẩy điện ảnh Việt có sự bứt phá xứng với tiềm năng thì vẫn còn đó không ít trăn trở, âu lo.

Nhất là, đánh giá: “Việt Nam vẫn chưa phải là một nền điện ảnh phát triển” hay thực tế: “Có hơn 500 hãng phim, giấy phép hoạt động để đó. Con số các hãng phim hoạt động thực sự chỉ có từ 30 - 40 hãng phim” nên “mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 - 40 phim, chưa đến 50 phim” và “thị trường điện ảnh vẫn đang phụ thuộc nhiều vào phim nhập” được TS Ngô Thị Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II thẳng thắn nêu tại bàn tròn.

Trong đó, thật đáng suy ngẫm về tỷ lệ hãng phim hoạt động thực tế và trên giấy tờ đăng ký, chỉ đạt khoảng 6 - 8%. Và trong số này không phải hãng nào cũng gặt hái được thành công khi có phim ra rạp.

Minh chứng gần đây nhất khi Box Office Vietnam đưa ra con số chỉ khoảng 20% trong tổng số phim ra rạp 6 tháng đầu năm có doanh thu thắng lợi, thuộc về “Mai” và “Lật mặt 7: Một điều ước” còn lại đều thất bát, trong đó có phim chỉ thu được vài trăm triệu đồng.

Thêm nữa, ở DANAFF 2024, dù Ban tổ chức có thể tuyển phim nghệ thuật tranh tài ở hạng mục “Phim châu Á dự thi” nhưng ở hạng mục “Phim Việt Nam dự thi” thì lại có cả phim thương mại, doanh thu phòng vé cao vì “chỉ có chừng đó và đưa vào hết rồi”.

Rõ ràng, dù xuất hiện phim có doanh thu vài trăm tỉ, song thực tế vẫn là: Điện ảnh Việt còn ở vùng trũng. Vậy do đâu? Là cơ chế chính sách hay nguồn lực, tài năng hạn chế?

Nếu cứ đổ thừa chung chung cho cơ chế cũng không hẳn vì có đến 500 hãng phim được cấp phép nhưng rất ít trong số đó thực sự hoạt động điện ảnh, số còn lại chỉ quay quảng cáo và thực hiện dự án khác.

Nhưng sự thoáng trong việc cấp phép này cũng cần đặt câu hỏi, liệu rằng có đem lại những hệ lụy thiếu lành mạnh, cản bước sự phát triển của nghệ thuật thứ bảy không?

Còn về nguồn lực và tài năng điện ảnh thì chưa khi nào dồi dào như hiện nay. Một trăm triệu dân chính là nguồn lực đầu tư rất lớn đang chờ các nhà sản xuất phim khai thác. Một thế hệ làm phim độc lập dám nghĩ, dám làm, dám cất tiếng nói khác về điện ảnh cũng rất trẻ và sung sức.

Công bằng mà nói, ở dòng phim thương mại ít nhiều đã có những khởi sắc nhưng dòng phim nghệ thuật dường như vẫn là bài toán khó giải, nhất là với các nhà sản xuất độc lập có đủ đam mê, tài năng và dám dấn thân nhưng họ lại kiêu ngạo, cô đơn và chông chênh cả về tài chính lẫn hướng đi. Mà tương lai điện ảnh Việt họ nắm giữ. Vậy nên, họ cần được trân trọng, bao dung và tiếp sức…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để điện ảnh Việt bứt phá?