Làm sao để phòng tránh đau nhức đầu?

Phạm Hoa | 28/09/2023, 15:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Nhức đầu hay đau đầu là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau như: căng thẳng thần kinh, thay đổi thời tiết, u mạch máu não, u não, tăng huyết áp, huyết áp thấp…

Trong chứng nhức đầu do căng thẳng thần kinh, do thay đổi thời tiết: Người bệnh thường đau như bị siết chặt ở hai bên đầu như vòng băng siết lấy xung quanh đầu. Cơ ở cổ thường căng và đau khi chạm vào.

Những dấu hiệu khác có thể là: Khó ngủ, nhức đầu tăng khi bị chói sáng hay tiếng ồn ào. Tất cả các yếu tố làm gia tăng sự căng thẳng, stress về cả tinh thần lẫn thể chất, giận dữ hoặc tâm trạng thất vọng, đều có thể kích thích gây nhức đầu loại này.

Lo lắng quá độ, làm việc liên tục, không nghỉ ngơi, học hành trong thời gian dài, đánh máy hoặc những hoạt động mang tính tập trung khác, tư thế làm việc không đúng, tổn thương cột sống.

Nếu do các nguyên nhân như phồng mạch máu não, u não thì người bệnh thường kèm theo các dấu hiệu thần kinh khu trú như nôn, buồn nôn, nôn vọt, thị lực có thể suy giảm...

chua-dau-dau1.jpg
Nhức đầu hay đau đầu là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau.

Dự phòng chứng đau nhức đầu

Bạn cần điều chỉnh lối sống để hạn chế những yếu tố kích thích thần kinh, học cách để thư giãn cơ thể và cảm xúc.

Hãy thư giãn bằng cách nằm trong bồn nước ấm, đắp khăn ấm ở những vùng bị đau, hoặc nghe bản nhạc yêu thích có tính êm dịu.

Hãy giảm bớt áp lực của công việc, làm việc có kế hoạch và khoa học.

Tập dưỡng sinh, thể thao phù hợp với bản thân như khiêu vũ, đi bộ, chơi tennis, bóng bàn...

Tập thể dục đều đặn thường xuyên, đặc biệt là những bài tập aerobic, chạy bộ, đạp xe và những kỹ thuật thực hành thư giãn sẽ giúp bớt đi những cơn nhức đầu do căng thẳng.

Nếu vùng cổ bị đau, hãy xoa bóp và vận động theo bài tập thể dục giúp giảm đau.

Nên ăn tăng rau xanh, hoa quả tươi. Tránh các thức ăn đồ uống kích thích như cà phê, rượu... Chú ý tránh để táo bón vì táo bón cũng có thể gây nhức đầu hoặc làm cơn nhức đầu nặng nề thêm.

Đối với loại nhức đầu do căng thẳng, do thời tiết thì dùng các loại thuốc giảm đau thông thường như Acetaminophen, Aspinn Ibuprofen, đều có hiệu quả.

Tuy nhiên, không được lạm dụng việc dùng thuốc. Dùng thuốc liều cao hay lâu dài đều phải có hướng dẫn cụ thể của bác sỹ chuyên khoa thần kinh.

Với những cơn nhức đầu mạn tính xảy ra hàng ngày liên tục, người bệnh cần đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Đặc biệt cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu nhức đầu nguy cơn tăng huyết áp, do u mạch máu não, do u não... kèm theo nôn, nôn vọt, cần phải đến cơ sở y tế ngay.

Theo Đông y, bệnh đau nhức đầu được quy về chứng thiên đầu thống do tình trạng can khí uất kết, tình chí bị tổn thương gây ra.

Các chứng nhức đầu do căng thẳng do thời tiết đều có thể điều trị tốt bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bâm huyệt, hoặc dùng thuốc nam... đều có hiệu quả.

tai-xuong.png

Một số bài thuốc thường dùng

Bạch chỉ 9g, cúc hoa 9g xuyên khung. Sắc uống ngày một thang chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng chữa nhức đầu do cảm phong hàn (nhức đầu, gai gió sợ rét, không ra mồ hôi...)

Man kinh tử 10g, thạch cao sông 18g, xuyên khung 10g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng chữa nhức đầu do cảm phong nhiệt (nhức đầu, ra mồ hôi, sợ nóng...).

Đương quy 15g, thục địa 18g xuyên khung 12g, bạch thược 12g, mẫu lệ 30g, long cốt 30g, đảng sâm 18g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng chữa nhức đầu do khí huyết hư (mệt mỏi, đoản hơi, ăn kém, hoa mắt chóng mặt...).

Tần di 9g, thăng ma 6g, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 15g, chi tử (hạt dành dành) 9g, mạn kinh tử 9g. Sắc uống ngày một thang. Chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng chữa nhức đầu do viêm xoang.

Quả ké đầu ngựa (sao) 15g, hạ khô thảo 10g, long sơn thảo 10g, mộc tặc 6g, thạch quyết minh 10g, cúc hoa 5g, sinh địa hoàng 10g, phòng phong 6g khương hoạt 5g, đại hoàng 15g, tang trạch bì 10g, thiền thuế 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc này có tác dụng chữa thiên đầu thống (nhức đầu dữ dội, nhức mắt..). Sau khi uống thấy đại tiện lỏng nhẹ, ngoài ra không có phản ứng nào khác. Nếu đại tiện lỏng nhiều lần, cần giảm bớt lượng đại hoàng trong đơn.

Kết hợp các bài thuốc chữa thiên đầu thống và việc điều chỉnh lối sống sẽ giúp người đang mắc bệnh đau nhức đầu giảm bớt cơn đau, từ từ cải thiện sức khỏe, thông kinh mạch, tăng cường sự tuần hoàn lên não.

Do đó, bạn nên kiên trì thực hiện và tuân thủ điều trị. Hãy hỏi thầy thuốc về tất cả các biểu hiện bất thường của bạn để kịp thời phát hiện và điều trị những biến chứng không mong muốn của bệnh, bảo vệ tính mạng của bạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao để phòng tránh đau nhức đầu?