Giáo dục

Làm thế nào để đề kiểm tra Ngữ văn không áp đặt học trò?

13/05/2024 07:40

Suy nghĩ trên bắt đầu từ câu chuyện chuyên môn tại ngôi trường nơi tôi công tác.

Đó là lần chuẩn bị kế hoạch cho kiểm tra cuối học kỳ II, tổ Ngữ văn của chúng tôi, cụ thể là nhóm Văn khối 11 có thảo luận về việc xây dựng kế hoạch ôn thi cuối kỳ.

Phương án an toàn

Nội dung thảo luận tập trung ở việc sẽ lựa chọn phần viết thuộc dạng nào trong hai dạng bài còn lại ở kỳ II là “viết văn bản thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong tự nhiên” hay “viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật”.

Trong quá trình trao đổi, đề xuất có hai luồng ý kiến: Một bên đồng ý lựa chọn “viết văn bản thuyết minh…” và nhóm còn lại lựa chọn “viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật”.

Các giáo viên lựa chọn phương án “viết văn bản thuyết minh” lập luận rằng, đây là phương án an toàn cho cả học trò – người làm bài và thầy cô - người chấm bài. Bởi lẽ, trước đó kiểm tra giữa kỳ, các em đã được “tập dượt” qua dạng viết này, đồng thời nó còn giải quyết được bài toán về “chất lượng” (điểm số) cho nhà trường.

Và quan trọng hơn, phương án này cũng sẽ “tháo gỡ” những khó khăn nếu chọn phương án hai – ra dạng đề “nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật” với các loại hình sáng tác như điện ảnh, âm nhạc, hội họa… phải có chuyên môn nhất định mới cảm nhận, phân tích được.

Các giáo viên lựa chọn phương án 2 – dạng đề nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (trong đó có tôi) thì cho rằng, có thể ra đề dạng này để tránh trùng lặp với kỳ thi giữa kỳ II và để cho học trò được sáng tạo nhiều hơn trong quá trình viết.

Và theo gợi ý của sách giáo khoa Ngữ văn 11, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, trang 115 có ghi rõ “từng nhiều lần viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học, vì vậy, ở đây, nên chọn viết về một loại hình sáng tác khác: Điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc…”. Và sau khi bàn luận, nhóm của tôi đã thống nhất đề xuất nên chọn một bài hát được phổ nhạc từ bài thơ quen thuộc để ra đề.

Tuy nhiên, với lập luận, ra đề như thế là áp đặt với học sinh, và thêm nữa “âm nhạc” còn đặc biệt phải am hiểu về giai điệu…, nhóm còn lại đã bác bỏ đề xuất của nhóm tôi. Và, phần lớn mọi người đã bị thuyết phục với lý lẽ đó.

Thế nào là áp đặt?

Trong câu chuyện trên, tôi muốn đặt ra câu hỏi “như thế nào là ra đề áp đặt với học trò?”. Trước hết, nếu không muốn áp đặt về một tác phẩm cụ thể thì có thể để học trò lựa chọn tác phẩm, thậm chí là cả thể loại sáng tác để có thể viết.

Trong trường hợp này, giáo viên sẽ khó chấm, khó làm đáp án? Tôi nghĩ hoàn toàn không khó nếu giáo viên chịu khó đọc hoặc có một chút chuyên môn hẹp về các loại hình nghệ thuật được kể ở trên (vì thực tế đề thi dạng mở cũng chỉ yêu cầu những điều cơ bản về một loại hình nghệ thuật).

Trong thời đại mà gần như mọi tri thức đều có thể tiếp dễ dàng thì việc xác định nội dung, chủ đề hay một số đặc trưng cơ bản của tác phẩm nghệ thuật là không có gì khó khăn.

Là giáo viên Ngữ văn, tôi muốn trình bày sâu về quan điểm “ra đề áp đặt” với học trò? Trong trường hợp nếu ra một tác phẩm âm nhạc, điện ảnh… cụ thể thì có “áp đặt” không? Tôi thừa nhận là có, vì bộ phim ấy, bài hát ấy… có thể đối với giáo viên là hay, hấp dẫn, quen thuộc nhưng với học trò (hoặc một số ít em) sẽ không thích, không biết.

Bởi thực tế, khi tôi cho học sinh viết cảm nhận về bài “Tiến quân ca”, có em còn nhầm tác giả là… Trần Tiến; viết lời bài quốc ca vẫn sai một số từ. Nhưng như đã nói ở trên, nếu cho học sinh lựa chọn tác phẩm nghệ thuật thì sẽ “giải” được khó khăn này.

Nếu học sinh vẫn không viết được, cảm được thì lỗi tại ai? Như tôi tìm hiểu, các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, các em được học từ tiểu học, trung học cơ sở, nghĩa là đã nắm biết được những đặc trưng cơ bản về âm nhạc.

Thế thì, tình trạng không có khái niệm gì về thể loại hoặc kiến thức cơ bản, một là bởi học sinh không chịu học, hai là vấn đề giảng dạy bộ môn này ở dưới còn hình thức…

Mặt khác, nếu yêu cầu học sinh phân tích, đánh giá một bài hát phổ biến, phù hợp lứa tuổi (cho kèm theo phần ca từ) hay bộ phim “bom tấn, bộ phim từng đạt được nhiều giải thưởng danh giá (có tóm tắt phần nội dung vào đề thi) thì cũng sẽ không khác mấy việc chúng ta từng yêu cầu học sinh phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học không có trong sách giáo khoa.

Vấn đề còn lại là nếu hai loại hình trên học sinh chưa được thực hành viết nhiều thì giáo viên phải là người giúp trò ôn luyện, dạy cách tự học và khơi gợi hứng thú cho các em đến với loại hình sáng tác mới. Và khi đánh giá, dĩ nhiên, giáo viên cần nhìn nhận ở mức độ thấp hơn so với việc đánh giá các em viết bài về một tác phẩm văn học có trong sách giáo khoa.

Thực tế, lâu nay với môn Ngữ văn, chúng ta có ra đề “áp đặt” không? Trả lời ngay, rất áp đặt, trong chương trình cũ thì rất rõ, ví như cắt một đoạn trong một tác phẩm rồi yêu cầu học sinh phân tích, rút ra giá trị này, giá trị kia. Nhưng ngay chương trình mới, nếu với quan điểm “tác phẩm đó phải quen thuộc, được học sinh từng trải nghiệm” thì đề thi minh họa vừa rồi của Bộ trong phần viết cũng sẽ là áp đặt.

Bởi mấy ai chắc chắn, văn bản thần thoại “Thần mưa” được các em yêu thích. Và thậm chí, cả phần viết bài văn nghị luận xã hội bàn về “những khó khăn, thử thách của tuổi trẻ” trong đề minh họa không mang tính áp đặt dù tất cả học sinh tỏ ra hứng thú… Do vậy, dựa vào yêu tố quen thuộc hay yêu thích của vấn đề, tác phẩm để kết luận là “áp đặt” với học trò, có thật thoả đáng không?

Học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố đã hoàn thành kỳ khảo sát chất lượng năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: INT
Học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố đã hoàn thành kỳ khảo sát chất lượng năm học 2023-2024. Ảnh minh họa: INT

Thách thức với giáo viên ngại đổi mới

Muốn không áp đặt, hướng dẫn chấm, đáp án phải mở và linh hoạt. Giám khảo phải thật sự linh hoạt và cần thay đổi quan điểm, nhận thức về “sản phẩm” của học trò rất khác với nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn hay với chính giáo viên chấm (bởi mục tiêu giáo dục của hiện tại có nhiều khác biệt với thế hệ giáo viên chúng ta ngày trước).

Dạy học Ngữ văn đã không còn chỉ đơn giản là giảng bình để chỉ ra cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn chương (hay bất kỳ ở một loại hình sáng tác nghệ thuật nào khác) đến người học, và sau đó, yêu cầu học trò đánh giá “đồng tâm cùng điểm” với suy nghĩ của chính mình.

Dạy học Ngữ văn trong chương trình mới, trong bối cảnh hôm nay mang tính vận dụng sáng tạo, đòi hỏi tính tự chủ, tự học là chủ yếu. Giáo viên từ một tác phẩm cụ thể có thể khơi gợi, hướng dẫn cho học sinh tự tìm hiểu về một tác phẩm khác cùng thể loại.

Do đó, giáo viên phải là người chỉ dạy phương pháp – dạy “cách viết”, hướng dẫn cho học trò cách tổ chức, triển khai các luận điểm, sử dụng các dẫn chứng và cách lựa chọn, tổ chức và ngôn ngữ tinh tế, hợp lý… Đồng thời, giáo viên cũng phải là người khơi gợi cảm hứng cho học trò đọc, viết và nói một cách thường xuyên.

Một điểm nữa, khi chương trình mới đưa vào sách giáo khoa nhiều dạng văn bản mới, thêm nhiều loại hình sáng tác hơn… có lẽ cũng với mục đích nâng cao phẩm chất cảm thụ cái đẹp, cái mới cho học trò.

Điều này, thiết nghĩ, cũng góp phần bồi dưỡng con người trở nên văn minh hơn, có “phông” văn hoá cao hơn. Do đó, giáo viên phải cho học sinh thực hành viết – nói và nghe cả ở những loại hình sáng tác khác ngoài tác phẩm văn học quen thuộc. Nếu chỉ vì ngại khó, vất vả và áp lực thành tích thì cái mới muôn đời không thể khai mở được.

Cuối cùng, theo tôi, dạy học Ngữ văn trong bối cảnh hôm nay cần chú trọng giúp người học biết cách sử dụng ngôn ngữ hiệu quả. Thiết nghĩ, để bước ra đời thành công, không có kiến thức công cụ nào quan trọng hơn việc làm chủ ngôn ngữ của chính mình.

Học trò biết vận dụng ngôn ngữ trong việc tạo lập các kiểu loại văn bản và đặc biệt là trong giao tiếp, thuyết trình, diễn thuyết… là một lợi thế lớn để đến với thành công.

Do vậy, đổi mới kiểm tra đánh giá nên bắt đầu từ chính yêu cầu này – yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ, chứ không phải chỉ là yêu cầu “truyền tải, lan toả một nội dung ý nghĩa” nào đó. Hiểu sâu được bản chất đó, chúng ta - những giáo viên Ngữ văn mới hy vọng “làm mới” được chính mình.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình GDPT 2018 là bồi dưỡng “phẩm chất”, rèn luyện “năng lực” cho học sinh. Nghĩa là nội dung kiến thức không phải là điều quan trọng nhất, do vậy kiểm tra đánh giá với các môn nói chung, đặc biệt môn Ngữ văn, theo tôi, cần chú trọng đánh giá ở cách hành văn, phương pháp viết bài và cả những suy tư mới mẻ của học trò từ tác phẩm (có thể là trái chiều nhưng lập luận thuyết phục).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm thế nào để đề kiểm tra Ngữ văn không áp đặt học trò?