Lạm thu giáo dục: 'Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'

Phương Liên | 24/09/2022, 15:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lạm thu trong trường học là mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Hiện nay, vẫn rất nhiều trường đang có những khoản thu vô lý.

Còn tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hơn 100 học sinh vào lớp 1 năm học 2022-2023 phải đóng gần 1 triệu đồng tiền đầu năm. Cụ thể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 thông báo tới phụ huynh nhà trường có kế hoạch mua 45 bộ bàn ghế, 3 cái bảng và những vật dụng này đều vận động đóng góp từ phụ huynh. Theo đó, mỗi em lớp 1 phải đóng 550.000 đồng mua bàn ghế, 173.000 đồng mua bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và mua rèm cửa, tổng gần 1 triệu đồng.

Lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục

Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, thay vì trao đổi về cách thức giáo dục, các vấn đề liên quan đến con trẻ thì chuyện thu tiền chiếm thời lượng không nhỏ. Trong tình huống đó, cả giáo viên và phụ huynh đều không có cảm giác thoải mái. Khi giáo viên "nói về tiền" cũng đã gây mất thiện cảm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo.

Trước đó, trong các cuộc họp với ban giám hiệu để triển khai kế hoạch họp phụ huynh, các giáo viên chủ nhiệm luôn được nhà trường thông báo về các khoản thu này như một hiệu lệnh.

Quả thật, không giáo viên nào muốn có các khoản thu "vô lý" trong nhà trường để họ phải đứng trước phụ huynh để nói về tiền, rồi sau đó phải "đòi nợ" từng phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc lạm thu vừa được nêu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.

Theo quy định của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, các khoản nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh như: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT).

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép thu hai khoản: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục. Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp.

Nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng tình trạng lạm thu gây mất uy tín lớn cho ngành giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự để "làm gương". Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải đồng lòng phản ánh sai phạm lạm thu và yêu cầu nhà trường, giáo viên minh bạch, công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.

Cũng theo GS.TS Trần Hồng Quân, đầu tư cho giáo dục, cho con em có môi trường, điều kiện học tập tốt hơn là chính đáng nhưng Ban đại diện phụ huynh phải căn cứ vào tình hình chung của lớp để đưa ra mức thu đồng thuận. Nếu đề xuất mức thu quá cao hoặc cào bằng theo đầu người sẽ khó cho những gia đình khó khăn, có mức thu nhập trung bình..

Thực tế cho thấy, phụ huynh phản đối việc lạm thu của nhà trường là việc chính đáng để đảm bảo các khoản thu của nhà trường phải phục vụ trực tiếp nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời, phải xét đến điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.

Chính vì vậy, gần 23 triệu gia đình có con đang độ tuổi phổ thông đều mong muốn ngành giáo dục phải chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tăng cường phát huy dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh. Tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành giáo dục.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/lam-thu-giao-duc-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-102220924143213485.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/lam-thu-giao-duc-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-102220924143213485.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm thu giáo dục: 'Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'