Lạm thu trong trường học: Chấn chỉnh cách nào?

18/10/2023, 12:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Số hóa các khoản thu tại cơ sở giáo dục được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.

Trường hợp cần thiết có thể đình chỉ công tác hoặc cách chức; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn bao giờ hết, hiệu trưởng phải chấp hành đúng Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố cũng như văn bản của sở GD&ĐT về thu chi đầu năm học. Cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thu chi trong trường học để kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện sai phạm. Chú trọng “phòng hơn chống” và không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Mạnh tay” xử lý

Ông Phạm Văn Hòa. ảnh 3
Ông Phạm Văn Hòa.

Lạm thu trở thành vấn nạn “đến hẹn lại lên”. Dịp đầu năm học nhiều phụ huynh bất bình khi cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng gợi ý các khoản thu. Có trường thu trên 20 khoản, đáng nói các khoản “phụ phí” cao gấp nhiều lần học phí. Vấn nạn này muôn hình vạn trạng. Trường ở khu vực nông thôn thu kiểu nông thôn, đô thị thu kiểu thành thị; trường chuyên, lớp chọn hay bình thường cũng có cách thu tương ứng.

Lạm thu diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí ngày càng nhiều biểu hiện tinh vi, biến tướng. Nghề giáo vốn được xem là nghề cao quý nhất nhưng vướng phải tiền nong, lạm thu triền miên khiến dư luận không khỏi xót xa. Đáng nói, khi phát hiện lạm thu, nhiều hiệu trưởng chỉ bị nhắc nhở và trả lại số tiền thu không đúng quy định cho phụ huynh, học sinh. Việc xử lý “nhẹ tay” cũng là một trong những nguyên nhân khiến các trường “nhờn luật”.

Tôi đồng ý với phương án không thu tiền mặt nhưng cũng đề nghị cần “mạnh tay” hơn trong xử lý vi phạm người đứng đầu nếu để xảy ra lạm thu. Tùy từng mức độ, hiệu trưởng sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến cách chức, thôi việc; thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Kinh nghiệm từ đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. ảnh 4
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.

Bộ GD&ĐT đã có quy định liên quan về những khoản nhà trường được thu. Tại các địa phương cũng có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục được và không thu khoản nào. Vì thế, nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, trách nhiệm chính thuộc về nhà trường.

Mặc dù có quy định xử lý, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hầu như các “biện pháp mạnh” chưa được áp dụng. Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Đồng thời, xem xét đến trách nhiệm của cơ quan quản lý là các phòng, sở GD&ĐT và địa phương.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương cần xây dựng kênh phản hồi công khai, để phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp. Cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền về các khoản được và không thu với từng cấp học để phụ huynh nắm rõ. Trên cơ sở đó, phụ huynh thẳng thắng từ chối khoản thu không có ở danh mục được phép thu và trái quy định.

Liên quan đến việc không thu bằng tiền mặt trong cơ sở giáo dục, đào tạo, tôi cho rằng, đây là giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên, để chủ trương thành hiện thực và hoạt động hiệu quả, cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện; trong đó quan tâm, nhấn mạnh đến yếu tố pháp quy và điều kiện thực tiễn của các địa phương. Bởi lẽ, “trường học không tiền mặt”, đồng nghĩa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ phải đồng bộ. Chẳng hạn, độ phủ sóng của ngân hàng, việc dùng mạng Internet (nếu sử dụng dịch vụ Internet Banking phải được đầu tư, thiết kế ra sao cho hợp tình và lý…).

Trên thực tế, việc “xóa mù công nghệ” ở vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, rào cản. Vì thế, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến. Do đó, trước mắt, tôi cho rằng, nên áp dụng song song hai hình thức: Nộp tiền trực tiếp và trực tuyến. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; từng bước hoàn thiện, tiến tới phổ cập hình thức không sử dụng tiền mặt để nộp các khoản thu về trường.

Không đâu xa, chúng ta có thể lấy luôn bài học kinh nghiệm của việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng và nộp lệ phí. Từ chỗ thí sinh phải đăng ký trên giấy, nộp tiền xét tuyển trực tiếp nay mọi quy trình được áp dụng theo hình thức trực tuyến.

Trường học không tiền mặt là xu hướng tích cực. Tuy nhiên, khi thực hiện cần có lộ trình và đề cao nguyên tắc: Phụ huynh, học sinh được quyền lựa chọn phương thức thanh toán. Nếu không, những mục đích, tiện ích của thanh toán không tiền mặt sẽ ít mang lại giá trị. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lam-thu-trong-truong-hoc-chan-chinh-cach-nao-post657550.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lam-thu-trong-truong-hoc-chan-chinh-cach-nao-post657550.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm thu trong trường học: Chấn chỉnh cách nào?