Khối lượng mua lại cao, song, FiinRatings nhận định, áp lực đáo hạn trái phiếu trong thời gian tới vẫn lớn, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn 9 tháng còn lại của năm nay được ước tính ở mức 220.770 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp BĐS có số dư trái phiếu sẽ đến hạn ở mức 93.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong hai quý sắp tới lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng vào quý II và 35.400 tỷ đồng vào quý III.
Đây là các con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh BĐS cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp BĐS hiện nay.
Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận của các nhà phát triển BĐS đã chậm lại từ quý I/2022. Trong quý gần nhất, doanh thu giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ.
Môi trường kinh doanh bất lợi khiến cho tốc độ bán hàng các dự án bị chậm lại. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lượng hàng tồn kho lớn đến từ các dự án đang xây dựng dở dang, số ngày tồn kho tăng gấp đôi từ khoảng 1.000 - 1.200 ngày (khoảng 3 năm) trước năm 2020 lên 2.484 ngày (gần 6 năm) vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp nhiều lần trong năm qua cũng khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm.
FiinRatings dự báo, thị trường BĐS nhà ở tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm nay làm kéo dài giai đoạn kinh doanh khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, cũng như làm suy giảm khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ định kỳ sắp tới.
Số liệu của 50 doanh nghiệp BĐS niêm yết cho thấy tình hình tài chính chung có dấu hiệu giảm sút. Việc thị trường BĐS đóng băng, các biện pháp kiểm soát dòng tín dụng và tình trạng nhiều dự án vướng mắc pháp lý, các doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không ổn định/âm trong 3 năm trở lại đây vẫn đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản trong thời gian tới.
Cùng với đó, rủi ro chéo cũng hiện diện đối với các doanh nghiệp có công ty mẹ gặp khó khăn thanh khoản.
Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu dự báo tiếp tục đà tăng trong quý II - III năm nay khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn sẽ đáo hạn trong năm nay (với giá trị nêu trên) trong khi triển vọng kinh doanh của ngành BĐS đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Mặt khác, tỷ lệ chậm trả đang tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ TPDN với tổng giá trị là 113.140 tỷ đồng, tăng 19,8% so với lần cập nhật gần nhất trước đây một tháng. Giá trị trái phiếu chậm trả chủ yếu đến từ các lô TPDN được tái cơ cấu kỳ hạn, tăng 2,12 lần sau một tháng và đạt 11.450 tỷ đồng.