Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động là một trong ba chức năng chính của tổ chức Công đoàn nói chung và Công đoàn ngành Giáo dục nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, công tác chăm lo đời sống cho người lao động càng cần được quan tâm, thực hiện tốt hơn.
Nhằm góp phần hỗ trợ học sinh vùng khó, ngành GD-ĐT đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.
Với hình thức “trường giúp trường”, “huyện giúp huyện”, qua đó Công đoàn Giáo dục các cấp đã kịp thời hỗ trợ cho giáo viên, học sinh miền núi, vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số giảm bớt khó khăn, yên tâm đến trường. Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục các cấp còn huy động nguồn xã hội hóa giúp đỡ kinh phí, hỗ trợ đồ dùng học tập, phương tiện sinh hoạt cho các nhà giáo, học sinh.
Theo ông Ân, năm học 2022 - 2023, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, mong nhận được sự hợp tác của ban giám đốc các sở GD&ĐT. Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp với Công đoàn Giáo dục cùng cấp triển khai hiệu quả cuộc vận động để chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh - bày tỏ: Trong những năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn là đơn vị đi đầu trong phong trào “Hỗ trợ giáo dục các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.
“Hưởng ứng phong trào “Hỗ trợ giáo dục các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, Công đoàn ngành đã vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên ủng hộ các đơn vị theo sự phân công của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đây là nét đẹp của nhà giáo và học sinh Thủ đô với tinh thần “Tương thân tương ái, Hà Nội vì cả nước””, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ.
“Chúng tôi rất vui, phấn khởi khi được hỗ trợ xây nhà công vụ vì một số thầy cô ở nơi xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chưa dành dụm được tiền để cất nhà nên rất cần nhà công vụ để ở. Chúng tôi sẽ giữ gìn, bảo quản, sử dụng có hiệu quả công trình mà các đơn vị hỗ trợ xây dựng”, thầy Chiến nói.