Chị nói, hồi mới cưới, chị nói anh nghỉ đi biển để cùng đi công nhân, đói no có nhau. Nhưng rồi đi làm nhà máy được 2 tháng nhớ biển, anh lại xin tàu ra khơi. Chuyến biển lần này là chuyến cuối, anh đi kiếm thêm chút tiền còn lo cho con học hành, sắm sửa Tết. Vậy mà không ngờ tai ương ập xuống, anh không trở về.
Cơ quan chức năng nhận định 13 thi thể khả năng không thể tìm thấy, các tàu cứu hộ cũng đã trở về kết thúc tìm kiếm nhưng chị Bình vẫn chưa thể tin đó là sự thật. “Còn tàu của các bác ngư dân ngoài đó, em đã dặn các bác cố tìm giúp, đưa chồng em về, nếu không còn người thì cũng về để chôn cất nơi đất mẹ”- chị Bình nghẹn giọng.
Trong số 13 nạn nhân mất tích, xã Tam Giang có 5 người, trong đó 4 người cùng ở làng Đông An. Xóm biển những ngày này mưa sụt sùi, ai cũng đau buồn trước mất mát quá lớn. “Vẫn biết là biển giã khó lường, nhưng chưa bao giờ làng đón nhận nỗi đau quá lớn này. Những người mất tích đều là những trụ cột gia đình”, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang chua xót.
Tam Giang nổi tiếng với đội tàu câu mực 34 chiếc với hơn 1.500 ngư dân tham gia. Chiếc tàu QNa 90129 TS của thuyền trưởng Lương Văn Viên là tàu lớn nhất của xã, được nhiều bạn tàu tin tưởng xin được đi bạn. Tàu câu mực thường vươn khơi xa, các tàu đi theo tổ (3 chiếc/ tổ) để hỗ trợ nhau. Năm ngoái, tàu ông Viên cũng vớt được hơn 40 ngư dân trên tàu cá bị chìm. Ai ngờ năm nay thì tàu mình gặp nạn, lốc xoáy khiến không kịp trở tay.
Tang thương làng biển
Liền kề bên cạnh, xã biển Tam Quang những ngày này không khí tang thương cũng bao trùm khi 7 người đi trên con tàu chìm đã không còn trở về. Những hình nặn được dựng lên, nằm thay thế cho thi thể có khi còn lạnh lẽo ngoài khơi xa. Gia đình đau xót tổ chức lễ tang thân nhân.
Ba mẹ con chị Phạm Thị Liên (39 tuổi, vợ ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) ngồi lặng bên chiếc quan tài bên trong đặt hình nặn đất sét. Trên bàn vẫn đặt di ảnh, hoa, câu đối và tiến hành nghi thức của một lễ tang. Đây là cách người dân làng biển vẫn làm khi người thân mất tích để người xấu số được yên nghỉ.
Hàng xóm láng giềng mấy nay vẫn tới lui giúp gia đình tổ chức tang lễ. Ai cũng không khỏi xót xa khi nhìn chị với bụng bầu 7 tháng đang phải chịu tang chồng. Lúc đầu ai cũng giấu vì sợ rằng báo tin đột ngột sẽ ảnh hưởng đến thai phụ. Nhưng tin dữ không thể hoá vui, không có phép màu nào đưa anh Pháp trở về, mọi người đành cho chị hay. Bà con lối xóm và người thân thay phiên túc trực, hai đứa con chị là Nguyễn Ngọc Nhân (11 tuổi) và Nguyễn Ngọc Hiếu (4 tuổi) ngồi sát gần mẹ. Hiếu còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mỗi lần nghe con vô tư hỏi cha đi biển chừng nào về, chị lại ứa nước mắt.
Anh Nguyễn Ngọc Nhật (anh trai của ngư dân Pháp) từ hôm biết chuyện đã xin nghỉ việc để lo chuyện an nghỉ cho em. Anh nói, Pháp là đứa nhanh nhẹn, và có kinh nghiệm nhiều năm đi biển nhưng chẳng ngờ lại có ngày này. Ba mẹ lớn tuổi suy sụp vì “đầu bạc tiễn đầu xanh”, anh Nhật kìm nén nỗi đau để cáng đáng.
Ông Phan Vĩnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Quang những ngày này tất bật chạy tới lui nhà của các thân nhân những người gặp nạn để viếng thăm. Ông thở dài, mới tuần trước 2 ngư dân đi tàu câu mực gặp nạn mất tích, giờ xã biển lại nhận nỗi đau quá lớn khi mất đi 7 trụ cột các gia đình. Cả xã có 14 nghìn dân thì tới 70% theo nghề đi biển. Đội tàu hùng hậu với 324 chiếc vươn khơi là nghề truyền thống tạo kế sinh nhai cho bà con và cũng là giữ vững chủ quyền. Năm nay ngư dân đối mặt quá nhiều khó khăn, lúc thì đối mặt “bão giá” xăng dầu tăng, ngư trường thì dần cạn kiệt, thu nhập bấp bênh, khan hiếm bạn tàu… Vậy nhưng những đội tàu vẫn kiên trì bám biển. Với họ đó là nguồn sống, và cũng là niềm tự hào với chủ quyền biển đảo.
Biển giã khôn lường, đây không phải lần đầu xã biển Tam Quang đối mặt với những mất mát. Cơn bão Chan chu năm 2006 cũng đã cướp đi của xã 9 mạng người. Hai con tàu gặp nạn lần này có tới 51 ngư dân cùng đi, 44 người sống sót trở về, còn 7 người mất tích. Cách đó ít hôm 2 ngư dân khác cũng gặp nạn trên tàu câu mực mất tích. Mấy hôm nay, lãnh đạo xã thường xuyên tới lui thăm hỏi gia đình các nạn nhân bị nạn, trao tiền hỗ trợ. Hội chữ thập đỏ xã cũng kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ các gia đình nạn nhân vụ chìm tàu chia sẻ khó khăn.
“Hầu hết gia đình các nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, vì những người mất tích đều là trụ cột gia đình. Cùng với chia sẻ nỗi đau, địa phương cũng kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng để phần nào giúp các gia đình sớm ổn định cuộc sống”, ông Tiến nói.