Giáo dục

Lấp 'khoảng trống' giáo dục thẩm mỹ

24/08/2024 06:44

Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên được đặt ra từ lâu.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, khi đất nước còn nghèo nàn lạc hậu, giáo dục thuộc địa và chiến tranh kéo dài làm cho giáo dục bị thiên lệch. Trong đó, giáo dục thẩm mỹ ít có tính thực dụng nên dễ bị bỏ qua.

Chỉ dấu nền giáo dục cao

Tham luận tại Tọa đàm “Giáo dục thẩm mỹ trong hệ thống giáo dục đại học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, GS.TS Huỳnh Như Phương (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) kể, thời đi học trước năm 1975, thế hệ của ông thích hát những bài sử ca, ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước.

Bây giờ, trên sân khấu văn nghệ trẻ, ông được nghe nhiều hơn những bản nhạc rap, dường như không hợp lắm với cảm thụ bản thân. Nhưng một hôm, tình cờ nghe được bài hát “Đem tiền về cho mẹ” và “Trốn tìm” của rapper Đen Vâu, ông hiểu ra rằng công chúng trẻ có lý do cắt nghĩa cho sở thích của họ.

Giữa các thế hệ vẫn có cơ hội tìm thấy sự đồng cảm trong nghệ thuật chứ không tồn tại một rào ngăn không thể vượt qua. Từ ví dụ trên, GS Huỳnh Như Phương đặt vấn đề phải giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, trong đó xác định ý thức tôn trọng sự đa dạng những thị hiếu thẩm mỹ phong phú, lành mạnh theo sở thích, giới tính, nghề nghiệp và từng cá nhân.

Các nhà khoa học, chuyên gia đều thống nhất về tầm quan trọng của việc giáo dục thẩm mỹ trong giáo dục, đặc biệt ở hệ thống giáo dục đại học. Theo TS Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, văn học nghệ thuật cũng như công nghiệp văn hóa, không thể có được và phát triển vững chắc nếu thiếu đội ngũ nhân lực không chỉ tinh thông về nghề nghiệp, mà còn phải có nền tảng tư tưởng, văn hóa vững vàng, có thị hiếu thẩm mỹ tinh tế, hiện đại và lành mạnh. Đồng thời, tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính không thể tồn tại nếu thiếu đội ngũ công chúng có định hướng thẩm mỹ tốt.

“Công tác giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ hệ thống đại học là nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu cho văn học nghệ thuật và tiến hành công nghiệp văn hóa; đồng thời, sinh viên - chiếm tỷ lệ đông đảo trong thanh niên - cũng chính là công chúng hiện tại và tương lai của nền văn học nghệ thuật nước nhà”, TS Bùi Thế Đức nhấn mạnh.

Còn GS.TS Huỳnh Như Phương cho rằng, giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, thể chất là 4 lĩnh vực có quan hệ hữu cơ của nền giáo dục toàn diện, từ mầm non đến đại học. So với 3 lĩnh vực kia, giáo dục thẩm mỹ có tính tế nhị và khó kiểm chứng hiệu quả nhất. Giáo dục thẩm mỹ ở mỗi bậc học lại có những yêu cầu, mục tiêu và phương pháp khác nhau.

Theo GS Phương, thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển, cùng với bùng nổ dữ dội của những xung đột, con người cần tìm sự cân bằng giữa tiếng nói khoa học và lương tâm, giữa tham vọng về quyền lực và sức mạnh vật chất với khát vọng về cái đẹp, sự hài hòa. Do đó, giáo dục thẩm mỹ chính là con đường giúp con người tìm tới đời sống hài hòa với thiên nhiên, xã hội và người xung quanh.

Theo các chuyên gia, giáo dục thẩm mỹ tuy không mang lại hiệu quả thiết thực, trông thấy như việc dạy nghề nhưng lại là chỉ dấu cho một nền giáo dục cao. Học sinh, sinh viên được đào tạo lý thuyết và thực hành về nghệ thuật cổ điển mới chứng tỏ một dân tộc có trình độ giáo dục cao.

Nhà nước và Bộ GD&ĐT đã cố gắng phát triển các môn giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều bất cập với nguyên nhân từ hoàn cảnh lịch sử, ý thức của phụ huynh, bản thân học sinh, sinh viên, quy định và tổ chức thực hiện…

Lap khoang trong giao duc tham my 1.JPG
Một tiết mục trong cuộc thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” năm 2023 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Chuyên sâu giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật

TS Đào Lê Na - giảng viên Bộ môn Nghệ thuật học (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, hiện giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên chủ yếu thực hiện qua môn Mỹ học đại cương, với thời lượng 2 tín chỉ lý thuyết, tương đương 6 buổi học.

“Rõ ràng, sinh viên sẽ không học được gì nhiều đối với môn học có thời lượng ngắn, số lượng đông và bài giảng thường được thiết kế chung cho nhiều ngành học”, TS Na bày tỏ. Nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục thẩm mỹ cho sinh viên, một số khoa như Văn học, Việt Nam học, Báo chí và Truyền thông đã mở thêm môn học có tên gọi Đại cương nghệ thuật học ở các học kỳ chuyên ngành.

Theo TS Đào Lê Na, một số trường đại học tư thục, quốc tế hiện có các khoa chuyên ngành giảng dạy về nghệ thuật như Fulbright Việt Nam, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TPHCM…

Điều này giúp ích cho việc giáo dục thẩm mỹ. Do đó, bà Na cho rằng, nếu được thành lập khoa chuyên nghiên cứu và giảng dạy chương trình liên quan đến giáo dục thẩm mỹ hoặc mở ngành đào tạo về nghệ thuật học sẽ giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường.

Theo PGS.TS Phan Thị Bích Hà - Trưởng khoa Nghệ thuật sân khấu và điện ảnh (Trường Đại học Văn Lang), các loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng cao như sân khấu và điện ảnh có sức hút đông đảo các tầng lớp khán giả. Đặc biệt, phim ảnh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ, từ trang phục đến tác phong, ngôn ngữ đến lối giao tiếp, ứng xử…

“Có nhiều phương thức để giáo dục thẩm mỹ đối với thế hệ trẻ, nhưng phương pháp giáo dục thông qua văn hóa - nghệ thuật được đánh giá là hiệu quả và có tác dụng nhanh nhất”, bà Phan Thị Bích Hà nói.

Đưa ra một số đề xuất để nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mỹ cho người học, PGS.TS Bùi Thanh Truyền - Trưởng khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) lưu ý cần tích hợp dạy học, giáo dục thẩm mỹ trong chương trình, học phần, các hoạt động trải nghiệm văn học.

Ở Trường Đại học Sư phạm TPHCM, để đưa giáo dục thẩm mỹ đến gần sinh viên, nhà trường đã tích hợp giáo dục thẩm mỹ - nhân văn trong từng học phần. Ngoài ra, có thể nghiên cứu văn học truyền thống, hiện đại Việt Nam, tiếp cận văn học nước ngoài trong và ngoài nhà trường từ góc độ thẩm mỹ, nhân văn.

PGS.TS Đoàn Lê Giang (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên được đặt ra từ lâu, nhà trường phổ thông và đại học đang cố gắng từng bước làm tốt yêu cầu này. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, khi đất nước còn nghèo nàn lạc hậu, giáo dục thuộc địa và chiến tranh kéo dài làm cho giáo dục bị thiên lệch. Trong đó, giáo dục thẩm mỹ ít có tính thực dụng nên dễ bị bỏ qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấp 'khoảng trống' giáo dục thẩm mỹ