Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Vì sao cứ đào lên lát lại?

Theo Trường Phong | 08/12/2022, 08:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước phản ánh của dư luận về việc nhiều tuyến phố ở Hà Nội sau khi được cải tạo, chỉnh trang, lát đá đã bị hư hỏng nặng, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, đã có kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương và chất lượng. Từ đó xem xét hiệu quả đến đâu, chất lượng thế nào, có tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không?

Kiến nghị rà soát, đánh giá

Tại cuộc họp báo thông tin trước Kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra từ 7-10/12) của HĐND thành phố Hà Nội, phóng viên báo Tiền Phong đề cập đến việc Hà Nội hiện triển khai chỉnh trang các tuyến đường, trong đó, nhiều vỉa hè mới được lát đá, qua thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng và đặt câu hỏi, với vai trò, chức năng của mình, HĐND thành phố có tiến hành giám sát nội dung này. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho rằng, nội dung này Thường trực HĐND thành phố rất quan tâm, giám sát, có ý kiến với UBND thành phố và các quận, huyện.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Vì sao cứ đào lên lát lại? - Ảnh 1.

Đá lát vỉa hè hư hỏng, xuống cấp ở Hà Nội Ảnh: Trường Phong

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân nêu, thời gian gần đây, việc lát đá vỉa hè được báo chí, dư luận quan tâm. Trước đây, khi bắt đầu chủ trương lát đá vỉa hè đã xảy ra tình trạng chất lượng công trình nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Sau đó, Ban Đô thị đã có kiến nghị, thành phố đã ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về lát đá vỉa hè.

“Hiện nay, chúng ta đang thực hiện lát đá vỉa hè theo quy chuẩn mới”, ông Quân nói. Tuy nhiên, theo ông Quân, gần đây có những tuyến đường vỉa hè lát đá bị hư hỏng. “Ở đây chúng ta xác định vỉa hè có 2 dạng, một là theo tiêu chuẩn cũ, hai là vỉa hè đang lát đá theo tiêu chuẩn mới. Theo dư luận phản ánh, mặc dù lát theo tiêu chuẩn mới nhưng vẫn chưa đảm bảo.

Trong nội dung thẩm tra của Ban Đô thị kỳ này đã có kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2023 cần đánh giá hiệu quả của chủ trương, đánh giá cả về chất lượng. Từ đó xem xét hiệu quả đến đâu, chất lượng thế nào, có tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa hay không? Nội dung này chúng tôi đưa vào trong kiến nghị UBND thành phố”, lãnh đạo Ban Đô thị HĐND thành phố nêu.

"Nếu cứ làm mà vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa thì rất tốn kém, lãng phí. Thậm chí, có nhiều tuyến lát đá, cải tạo vỉa hè mà chưa hạ ngầm. Rồi lúc thì đơn vị điện lực, đơn vị thông tin, thoát nước đào lên, lấp xuống thì lại càng lãng phí và tốn kém"

Ông Đ ào Ngọc Nghiêm

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Ngọc Việt, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố cho biết, việc chọn nội dung giám sát sẽ dựa trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội về những vấn đề dân sinh bức xúc. Sau đó, các ý kiến sẽ được tổng hợp, báo cáo HĐND thành phố.

“Vậy nên, có giám sát nội dung lát đá vỉa hè hay không? Sẽ giám sát nội dung gì trong năm 2023, chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo tại Kỳ họp và đại biểu HĐND thành phố sẽ bấm nút và thông qua nội dung giám sát”, ông Việt nói, đồng thời cho rằng, không đủ nguồn lực, con người để giám sát tất cả các vấn đề trong năm 2023.

Lãng phí, tốn kém

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, từ năm 2016, thành phố triển khai dự án lát đá vỉa hè nhiều tuyến phố để đảm bảo mỹ quan, xanh, sạch đẹp. Tuy nhiên, nhiều nơi vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Theo ông Nghiêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là về vật liệu.

“Thành phố đã uỷ quyền cho các quận, huyện làm chủ đầu tư, và ở đây xảy ra việc thiếu giám sát về nguyên vật liệu. Dù là đá tự nhiên, nhưng qua khai thác bằng nổ mìn, cưa xẻ bị chấn động, om, nứt. Kích thước vật liệu đá lát ở vỉa hè có khi cũng không phù hợp, khi có những phương tiện cơ giới đi lên mà chỉ dày khoảng 4cm. Nhiều nhà khoa học kết luận, với nguyên liệu như vậy, không đủ bền vững với tải trọng vỉa hè phải chịu”, ông Nghiêm nói.

Nguyên nhân nữa, theo ông Nghiêm là thiếu giám sát về quá trình thi công. Đối với lát đá vỉa hè, phải có lớp nền bê tông, nhưng thường không đảm bảo theo quy định. Đặc biệt, với những tuyến vỉa hè có cây xanh và hạ tầng kỹ thuật, bố cục khác nhau, ngay như rễ cây khác nhau phải xử lý cụ thể thế nào cũng chưa có hướng dẫn.

Đáng chú ý, theo ông Nghiêm, cần phân loại các tuyến phố để bố trí hợp lý việc lát đá. Có tuyến phố chủ yếu là các công trình công cộng, có tuyến phố xe máy đi lên, có tuyến phố đi bộ, có tuyến phố ô tô ra vào thường xuyên. Căn cứ vào chức năng của từng tuyến phố để cân nhắc nên lát đá vỉa hè hay không.

Ông Nghiêm ví dụ về tuyến đường Nguyễn Trãi là trục lưu thông chính của thành phố, lượng phương tiện lớn, hay di chuyển trên vỉa hè dẫn đến tình trạng vỉa hè xuống cấp nhanh. Phân loại tuyến phố để có các kết cấu khác nhau, nhưng hiện nay chưa làm được.

“Chốt” lại, ông Nghiêm cho rằng, khi chưa có đánh giá, nghiên cứu, phân loại tuyến phố phù hợp mà “ồ ạt” triển khai ở hàng trăm tuyến đường phố là “vì thành tích đơn thuần”, cần phải nhìn nhận lại chủ trương trên.

“Nếu cứ làm mà vài năm lại vỡ nát, chỉnh sửa thì rất tốn kém, lãng phí. Thậm chí, có nhiều tuyến lát đá, cải tạo vỉa hè mà chưa hạ ngầm. Rồi lúc thì đơn vị điện lực, đơn vị thông tin, thoát nước đào lên, lấp xuống thì lại càng lãng phí và tốn kém”, ông Nghiêm nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Vì sao cứ đào lên lát lại?