Lật tẩy chiến thuật 'chiến tranh tâm lý' mà tội phạm mạng hay sử dụng

28/02/2024, 15:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù liên tục được cảnh báo về tội phạm mạng, tại sao nhiều người vẫn bị “rơi vào bẫy” lừa đảo, đôi khi mất tiền một cách khó tin. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân là các đối tượng áp dụng “chiến tranh tâm lý” thật tinh vi.

Một số cuộc gọi sẽ không nằm trong số danh bạ của bạn hoặc số mà bạn nhận ra, nhưng kẻ lừa đảo có thể giả vờ là người mà bạn đã từng tiếp xúc, làm việc chung hoặc là bạn bè, người thân đang sử dụng điện thoại của người khác. Hãy cẩn thận, nói chuyện điện thoại qua số lạ trong thời gian dài sẽ tạo cơ hội cho chúng tìm hiểu thông tin về chính bạn hoặc những người bạn biết. Bọn họ có thể sử dụng thông tin này ngay lập tức hoặc sau này.

Thêm nữa, ngay từ đầu, những kẻ lừa đảo đưa ra những yêu cầu nhỏ để thiết lập mối liên kết. Sau khi làm theo những yêu cầu nhỏ này, chúng ta có nhiều khả năng chấp nhận những yêu cầu lớn hơn. Xây dựng một cam kết về mặt tâm lý là chiến lược của chúng. Nếu phá vỡ được những rào cản e dè ban đầu và tạo được độ tin tưởng nhất định, chúng có thể tiến xa hơn đến việc đề nghị cấp mật khẩu chẳng hạn. Đáng lưu ý là sau quá trình tiếp xúc lâu, nạn nhân trở nên mệt mỏi về mặt nhận thức nên mất cảnh giác. Điều này không chỉ khiến nạn nhân cởi mở hơn với những lời đề nghị mà còn “quên bẵng” việc hỏi ý kiến bạn bè hoặc gia đình, những người có thể nhận ra hành vi lừa đảo.

Áp đảo bằng quyền lực

Bằng cách đóng giả là người quản lý trực tiếp, công chức từ các cơ quan chính phủ, ngân hàng hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác, những kẻ lừa đảo cũng lợi dụng xu hướng tuân theo quyền lực tự nhiên. Những chiêu gian lận như vậy hoạt động ở nhiều mức độ tinh vi khác nhau. Có trường hợp giả làm cấp trên của nạn nhân gọi điện và đề nghị chuyển gấp một số tiền lớn vào tài khoản. Giọng nói khi đó y hệt người quản lý, nhưng thực ra đó chỉ là giọng nói giả mạo. Trong một vụ án lớn gần đây ở Hồng Kông (Trung Quốc), các đối tượng còn sử dụng cuộc gọi bằng video deepfake. Đây là một thách thức lớn vì các công cụ trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như VALL-E của Microsoft, có thể tạo ra giọng nói giả mạo chỉ bằng 3 giây âm thanh lấy mẫu từ người thật.

Trước các “bẫy lừa đảo” như trên, làm thế nào để tự bảo vệ mình? Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy xác minh danh tính. Tìm một cách khác để liên hệ với người cần xác minh, ví dụ dùng kênh liên lạc khác hoặc qua ai đó. Bên cạnh đó, trước tình trạng giả mạo giọng nói tràn lan, các thành viên trong gia đình có thể thống nhất về một số từ được coi là “mã số an toàn”. Nếu nhận điện thoại từ một số lạ mà không nêu được từ “an toàn” đó, hãy cúp máy.

Mặt khác, luôn tỉnh táo trước các chiến thuật gây áp lực. Nếu cuộc trò chuyện diễn ra quá nhanh, hãy dừng lại và chuyển vấn đề cho đồng nghiệp hoặc thành viên gia đình để kiểm tra. Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy nghi ngờ dù là nhỏ nhất, cách đơn giản nhất là cúp máy hoặc không phản hồi. Nếu bạn thực sự nợ thuế hay có lỗi phạt giao thông, cơ quan chức năng sẽ gửi văn bản cho bạn chứ không làm việc qua điện thoại.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/lat-tay-chien-thuat-chien-tranh-tam-ly-ma-toi-pham-mang-hay-su-dung-c415a1546986.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/lat-tay-chien-thuat-chien-tranh-tam-ly-ma-toi-pham-mang-hay-su-dung-c415a1546986.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lật tẩy chiến thuật 'chiến tranh tâm lý' mà tội phạm mạng hay sử dụng