"Tuy nhiên, thời gian gần đây, ca mắc thủy đậu ở người lớn đã ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc", PGS Cường nói.
Thủy đậu là bệnh lành tính, lây truyền khi tiếp xúc với dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Ảnh: Parade. |
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết). Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân khi ho, hắt hơi, nhảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
"Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine. Nhưng mọi người thường chủ quan và bỏ qua việc tiêm phòng", PGS Cường nhận định.
Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, da xuất hiện nhiều nốt phỏng toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.
Dù là bệnh lành tính tự khỏi, thủy đậu vẫn có thể gây nguy hiểm cho nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch; mắc ung thư đang điều trị hóa chất; có bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch...).
Nếu để bệnh phát triển nặng, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Do đó, PGS Cường khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
"Trẻ 1-12 tuổi nên được tiêm 2 liều. Liều thứ 2 được tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ tái mắc bệnh", PGS Cường hướng dẫn.
Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thủy đậu. Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời để tăng khả năng điều trị.