Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm và cả những hy sinh thời gian dành cho bản thân, gia đình của các thầy cô làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV tại các trường.
Theo Thứ trưởng, muốn làm tốt công tác này, nhà trường và các thầy cô phải thấu hiểu học sinh, sinh viên để biết họ đang gặp khó khăn gì trong cuộc sống, gia đình và việc học tập. Từ đó, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV mới có phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung về công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên, ngày 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Trong công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV năm học 2023-2024, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất, thầy cô cần nắm bắt kịp thời thông tin tình hình chính trị nội bộ, tư tưởng, tâm tư của học sinh, sinh viên. Muốn làm tốt điều này, thầy cô phải là người gần gũi với các em và có phương pháp, kỹ năng phù hợp.
Thứ hai, cần đặt vấn đề giáo dục chính trị, công tác HSSV trong bối cảnh không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ. Thầy cô và cha mẹ phải hiểu biết các nguy cơ từ không gian mạng, quan tâm hơn đến vấn đề này. Cách tiếp cận ở vấn đề này cũng cần kỹ năng khéo léo, mềm dẻo.
Thứ ba, Thứ trưởng đặt vấn đề một bộ phận học sinh, sinh viên suy thoái đạo đức, lối sống và tình trạng bạo lực học đường.
Muốn giải quyết vấn đề này, cần uốn nắn học sinh, sinh viên và ngăn chặn bạo lực học đường từ gốc. Các hoạt động, hình thức ngăn chặn bạo lực học đường cũng cần đổi mới, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số.
Thứ tư, kỹ năng sống của học sinh, sinh viên đang yếu và thiếu. Do đó, cần tập trung vào các mối quan hệ xã hội, gia đình của học sinh, sinh viên; thông qua các câu lạc bộ, mô hình để giúp học sinh có các kỹ năng ứng phó với các vấn đề tiêu cực trong cuộc sống, tệ nạn xã hội.
Ở đây, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của cán bộ làm công tác HSSV, giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội, tổ tư vấn tâm lý…
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nêu 2 lưu ý về nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV trong thời gian tới là: Phối hợp và tham mưu.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn hóa hệ thống văn bản về công tác này nên đội ngũ cán bộ cần nghiên cứu, tham mưu cho nhà trường, UBND các cấp, các Sở GD&ĐT những nội dung liên quan.
Thứ trưởng nhấn mạnh sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ban, ngành khác phải thông suốt từ trên xuống dưới.
Bà nêu một ví dụ, trong 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định hiện nay, có nhóm “trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở”. Tuy nhiên ở một số địa phương, khi được hỏi thì lực lượng công an không nắm được số liệu này.
“Như vậy, trường ở địa bàn đó đã không cung cấp số liệu về xã nên họ không nắm được. Do đó, khi đã có con số thì chúng ta phải đưa về xã, về công an để tất cả cùng phối hợp, vào cuộc. Nếu không, chúng ta cứ mãi 'đơn thương độc mã'”, Thứ trưởng nói.
Các đại biểu dự hội nghị diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang trong 2 ngày 27 và 28/7. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ của các cơ sở giáo dục cũng được Thứ trưởng nhắc nhở "không chủ quan".
Bà nêu thực trạng, nhiều học sinh bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục làm việc vi phạm pháp luật. Từ đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt vấn đề “lấy xây để chống” trong công tác giáo dục chính trị, công tác HSSV.
Theo đó, các Sở GD&ĐT, nhà trường cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, lan tỏa thông điệp tích cực; tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Các mô hình hay, tích cực từ các nhà trường, địa phương cần được nhân rộng.