Lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT

Nguyễn Dịu | 27/04/2022, 17:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 27/4, tại UBND TP Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGUT).

Quang cảnh Hội thảoQuang cảnh Hội thảo

Điều chỉnh phù hợp thực tiễn

Thực hiện Kế hoạch số 385/KH-BGDĐT ngày 6/4/2022 của Bộ GD&ĐT về xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT (thay thế Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ), Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Phía Bộ GD&ĐT: Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo; tham dự có ông Trịnh Xuân Hiếu- Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, bà Nguyễn Thị Hạnh- Phó Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, cùng lãnh đạo các vụ của Bộ GD&ĐT; đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ thi đua khen thưởng của 63 tỉnh, thành phố.

Tham dự Hội thảo, về phía UBND TP Hải Phòng có ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng; ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT TP.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Anh Quân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển giáo dục, đào tạo. Thành phố đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo vừa đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức. Nhiều nhà giáo là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ; đạt danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Chiến sỹ thi đua thành phố, Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố có 8 Nhà giáo Nhân dân, 165 Nhà giáo Ưu tú.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng mong muốn, cùng với những kết quả và khó khăn chung của giáo dục và đào tạo cả nước, Bộ GD&ĐT tiếp tục có những cơ chế chính sách đủ mạnh để phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, yêu cầu của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước, điều đó được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII và Nghị quyết XIII của Đảng cũng nhấn mạnh điều này.

Khi ngành Giáo dục đang triển khai Nghị quyết 29 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, thực hiện Luật 2019 và các Luật chuyên ngành đang được triển khai. Điều đó đòi hỏi cần phải đổi mới chính sách để đãi ngộ, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục - đây là một khâu then chốt.

Từ năm 1986 đến năm 2020 đã qua 15 lần xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng cho 650 NGDN và 9.081 NGƯT.

Từ năm 2015, quá trình triển khai Nghị định 27 của Chính phủ về xét tặng NGND, NGƯT đã tổ chức 2 đợt xét tặng danh hiệu vinh dự này (năm 2017 và năm 2020). Trong đó, có 82 NGND và 1.665 NGƯT. Điều đó thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Tuy nhiên, qua 2 đợt xét tặng gần đây cho thấy Nghị đinh 27 bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Vì thế, việc xây dựng Nghị định mới thay thế là phù hợp với thực tiễn.

Tháng 6/2022, Luật thi đua khen thưởng sẽ được xem xét thông qua. Để có một Nghị định mới phù hợp, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đang quyết tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung. Năm 2022, Bộ đã tổ chức thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Nghị định.

Đây là Nghị định liên quan đến nhiều bộ, ngành và đối tượng rộng từ cấp mầm non đến cấp học khác, từ giáo viên mầm non đến giảng viên đại học. Bộ GD&ĐT đã thực hiện tổng kết Nghị định 27. Vụ Thi đua khen thưởng, phối hợp với các vụ, cục của Bộ, các địa phương có đợt khảo sát, các cuộc toạ đàm trao đổi trực tuyến diễn ra từ năm 2021 chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 27.

Tháng 3 vừa qua, ban soạn thảo đã họp xây dựng dự thảo, tiến hành xin ý kiến của 2 miền. Trước đó, Bộ đã có cuộc Hội thảo xin ý kiến các trường đại học trên cả nước tại TP Hồ Chí Minh.

Quá trình dự thảo, Ban soạn thảo xin ý kiến các chuyên gia, tổ chức các cuộc toạ đàm, trao đổi, dành nhiều công sức nhưng không thể có góc nhìn đầy đủ, toàn diện được hết nên trong Hội thảo này đại diện lãnh đạo ngành GD&ĐT của 63 tỉnh, thành có đóng góp, góc nhìn khác nhau sao cho dự thảo khả thi, đạt kết quả tốt nhất.

Mỗi nhóm đối tượng có tiêu chí, tiêu chuẩn, nếu đưa ra tiêu chí cứng quá sẽ có những đối tượng phấn đấu cả đời không bao giờ đạt được danh hiệu. Vì thế, các đại biểu xem xét thấu đáo nội dung đặt ra trong từng chương, điều để có đóng góp sâu rộng, phù hợp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chỉ đạo.

Ghi nhận đóng góp tích cực

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh- Phó Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng đã báo cáo đề dẫn các vấn đề cần xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Cụ thể, lãnh đạo Vụ thi đua khen thưởng đã trình bày cấu trúc dự thảo Nghị định, so sánh với Nghị định số 27/NĐ-CP, đề xuất điểm mới và lý do đề xuất, bổ sung, hoàn thiện Nghị định cũ để công tác Thi đua khen thưởng đánh giá, ghi nhận chính xác hơn cá nhân được phong tặng.

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về đối tượng, góp ý điều chỉnh từ ngữ, nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng, công bố danh hiệu và tổ chức trao tặng, kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng, điều kiện và cách tính quy đổi, tiêu chuẩn danh hiệu, trình tự, thủ tục xét tặng. Từ đó, nhằm xây dựng cho dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được hoàn thiện hơn.

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh bày tỏ thống nhất dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Nghị định nên chăng có sự quy đổi thời gian cho cán bộ quản lý trong công tác giảng dạy trong khoảng từ 5 năm năm trở lên sẽ hợp lý hơn.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Ông Đặng Văn Hải- Chủ tịch công Đoàn, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nêu quan điểm đồng tình cao về tinh thần tổ chức, tích cực nhận sự đóng góp ý kiến của cơ sở để bổ sung, hoàn thiện Nghị đinh phù hợp hơn với thực tiễn. Ông Hải cũng bày tỏ băn khoăn về điều kiện cách tính quy đổi của cán bộ quản lý các sở giáo dục. Bởi, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cán bộ quản lý còn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà trường, cũng là nhiệm vụ đảm bảo công tác dạy và học. Hơn nữa, cán bộ quản lý là người có tiêu chuẩn cao hơn về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, chuyên môn giảng dạy. Nên chăng cần nhân đôi hệ số khi xét tặng cho cán bộ quản lý, để tránh thiệt thòi, ông Hải bày tỏ.

Lãnh đạo Ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến: Đề nghị bổ sung đối tượng là giáo viên thể dục với thành tính có học sinh đạt giải tại Hội khoẻ phù đổng cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, nội dung dự thảo Nghị định đưa ra khắc phục nhược điểm Nghị định 27 và có nhiều điều mới. Tuy nhiên, cần làm rõ giáo viên dạy lớp có học sinh khuyết tật nên được cân đối, xem xét đưa vào Nghị định.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh, thành. Sau Hội thảo, bộ phận thường thực Vụ thi đua khen thưởng sẽ tổng hợp các ý kiến. Sau các quy trình chặt chẽ, Ban soạn thảo sẽ trình Bộ trưởng. Đến tháng 11 sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo Chính phủ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, làm công tác thi đua khen thưởng cần cố gắng khắc phục bệnh thành tích, xem xét đúng người, đúng đối tượng, ghi nhận sự đóng góp của các nhà giáo.

Bài liên quan
Nóng: Bộ GD&ĐT chốt lịch tuyển sinh đại học năm 2024
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy ý kiến xây dựng Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT