Những người phụ nữ trong trang phục truyền thống giã lúa mới. |
Những người đàn ông khỏe mạnh đánh cồng chiêng đi quanh cây nêu. |
Với những lễ vật, gồm: Tai heo, ghè rượu, trứng gà, một ít trấu rượu chủ nhà đặt ở cầu thang kho lúa để báo cáo với trời đất, thần linh về việc sản xuất nông nghiệp của bà con trong năm qua.
Chủ nhà bắt đầu bài khấn: “Hôm nay gia đình làm lễ mở cửa kho lúa. Chúng tôi đem heo, trứng gà, rượu ghè làm lễ vật mời Yang trời, Yang sông cùng chung vui và chứng kiến cho gia đình được mang lúa, bắp về nhà. Xin cho lúa, bắp trong kho đầy mãi, không bị chuột bọ phá hỏng”.
Mọi việc xong xuôi, già làng đánh trống thông báo cho bà con tập trung tại nhà rông làm lễ dựng cây nêu. Khi cây nêu được thanh niên sắp xếp theo đúng hướng Mặt trời mọc, tất cả dân làng đồng loạt đặt tay vào, già làng thắp sáng nến và tưới rượu vào hố.
Trong tiếng hô vang của dân làng, cây nêu được dựng lên cao vút, uy nghi trước nhà rông. Già làng lần lượt dắt các con vật hiến sinh buộc vào cây nêu tương ứng.
Hòa cùng lời khấn và tiếng hò reo của dân làng, già ném gạo vào con vật hiến sinh rồi chia gạo cho mọi người. Dân làng vừa cầu khấn vừa ném gạo cho các con vật hiến sinh để mong đem hết xui xẻo đi và mang đến nhiều may mắn cho gia đình, cộng đồng làng.
Chủ nhà cài cành lá xanh ở cửa và cầu thang kho lúa rồi đặt lễ vật khấn thần linh phù hộ cho mùa vụ sau cây cối tốt tươi, mưa thuận gió hòa. |
“Nhịp chiêng nối tiếp nhịp chiêng, vòng xoang nối tiếp vòng xoang, cùng với ánh lửa bập bùng của đêm hội, người Rơ Măm thâu đêm suốt sáng thức cùng với những con vật hiến sinh. Đây được xem như một sự tri ân, cảm tạ vì những con vật hy sinh để mong thần linh ban những điều tốt lành cho cuộc sống dân làng”, già A Ren nói.
Nghi lễ hoàn tất, mỗi gia đình mang tới những món ăn, ghè rượu ngon xếp thành hàng để mọi người cùng thưởng thức. Già làng lấy nước được các thiếu nữ gùi về từ giọt nước đầu làng rưới lên đầu từng người.
Vui ngày lễ với bà con, ông A Dem (53 tuổi, làng Le) cho hay: Theo quan niệm, ai nhận những giọt nước này sẽ gặp được nhiều điều may mắn và tốt đẹp. Trong không khí tưng bừng của ngày lễ, mọi người nối thành vòng xoang lớn. Cùng với hương thơm nồng nàn của men rượu cần, bà con chúc nhau những điều tốt lành, chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất những năm đã qua.
“Một số nét văn hóa, truyền thống của người Rơ Măm dần bị giới trẻ lãng quên. Do đó, người Rơ Măm ở làng Le cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa này để lớp trẻ biết đến, quý trọng và gìn giữ. Những dịp lễ hội cũng là lúc cả dân làng quây quần bên nhau, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, động viên nhau cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống”, ông A Dem nói.
Lễ mở cửa kho lúa là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc thể hiện nét văn hóa riêng, độc đáo của người Rơ Măm ở Kon Tum. Lễ hội là dịp người dân vui chơi giải trí sau một vụ mùa vất vả, là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ.
Bên cạnh đó, lễ mở cửa kho lúa còn chứa đựng những khát vọng, ước muốn chinh phục tự nhiên mong có cuộc sống ấm no và một vụ mùa bội thu.
Theo Chương trình bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030, đối tượng thực hiện của chương trình là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum. Riêng Kon Tum hiện có 2 dân tộc rất ít người cư trú là Brâu và Rơ Măm.
Chương trình được triển khai góp phần hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng, nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.