Sự phát triển của các chương trình đào tạo từ xa đã tác động lớn lên giáo dục đại học tại Mỹ. Đơn cử, độ tuổi trung bình của sinh viên Trường ĐH Phoenix là 33. Hơn 50% sinh viên tham gia lớp học trực tuyến là nữ.
Giáo dục trực tuyến cũng thúc đẩy thay đổi trong các trường cao đẳng truyền thống. Tính đến năm 2014, 93% trường cao đẳng truyền thống tại Mỹ cung cấp khóa học trực tuyến. Các trường đại học danh tiếng như California Berkeley, Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts tổ chức học trực tuyến miễn phí với các bài giảng được ghi sẵn.
Đến sự bùng nổ
Trước dịch Covid-19, học trực tuyến đã phát triển, kéo theo đó là lĩnh vực công nghệ giáo dục (edTech). Năm 2019, các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ giáo dục đạt 18,66 tỷ USD. Thị trường giáo dục trực tuyến dự kiến đạt 350 tỷ USD với các mô hình như dạy ngôn ngữ trực tuyến, dạy kèm online, sử dụng công cụ hội nghị, phần mềm học trực tuyến…
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến trường học đóng cửa đã khiến nền giáo dục toàn cầu thay đổi đáng kể. Trong đó, khái niệm “E-learning”, giáo dục từ xa trên các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành mô hình chung cho toàn thế giới. Ước tính 1,2 tỷ trẻ em không được đến trường và hầu hết phải chuyển sang học trực tuyến.
Để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, nhiều nền tảng họp trực tuyến với cách tiếp cận miễn phí ra đời như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet. Đi cùng với đó là nền tảng học trực tuyến. Đơn cử, công ty dạy thêm trực tuyến BYJU’S, trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ, thành lập vào năm 2011, hiện là công ty công nghệ giáo dục được đánh giá cao nhất thế giới. Gã khổng lồ công nghệ Tencent, Trung Quốc, cũng nhanh chóng gia nhập thị trường béo bở này khi toàn bộ học sinh, sinh viên Trung Quốc phải học trực tuyến. Điều này dẫn đến phong trào trực tuyến lớn nhất trong lịch sử giáo dục Trung Quốc.
Giáo dục trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 không còn là xu hướng mà là mô hình bắt buộc. Bởi nếu không giữ liên lạc với trường lớp qua Internet, học sinh trên toàn thế giới sẽ phải bỏ học, hổng kiến thức nặng nề. Đến nay, hầu hết các quốc gia đã tái mở cửa trường học nhưng nhiều nơi vẫn tổ chức học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp để phòng dịch. Đặc biệt, Philippines cùng Venezuela vẫn đóng cửa trường học năm thứ 2 liên tiếp và tổ chức dạy trực tuyến.
Dù vậy, giáo dục trực tuyến trên toàn thế giới vẫn đối diện với nhiều thách thức. Học sinh đến từ các vùng nông thôn hay hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể trang bị đủ thiết bị công nghệ, Internet hay sóng điện thoại để học trực tuyến. Nhiều em khó tập trung, bị hạn chế tương tác, có xu hướng khép kín do không được gặp bạn bè. Trong tương lai, các quốc gia cần tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa học trực tuyến và trực tiếp để đem lại hiệu quả cao nhất cho giáo dục.