Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 ở Thái Nguyên vừa khép lại, bên cạnh việc thu hoạch một số niềm vui thì sân chơi này vẫn đọng không ít giọt buồn!
Nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp vừa thông báo vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ tái diễn liền 3 suất từ 12 đến 14/7 tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Theo chị, nguồn cơn không từ đâu xa mà là: “Gặt hái được những chiếc huy chương lấp lánh từ liên hoan toàn quốc, team chúng mình thấy phấn chấn hẳn lên nên quyết diễn 3 đêm phục vụ khán giả”.
Chứng kiến cảnh khán giả đến khán phòng đông nghịt, kín các lối đi, các bậc thang lên xuống để xem vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” mà chị thủ vai bà vợ ông Trương Ba, NSƯT Chiều Xuân bày tỏ niềm cảm kích đặc biệt: “Nghệ sĩ vô cùng biết ơn khán giả. Trong khi cứ ngỡ sân khấu bị lãng quên, lạnh nhạt thì những đêm diễn ở liên hoan chính khán giả đã tiếp thêm sức mạnh vô giá để chúng tôi theo đuổi ngành biểu diễn. Chúng tôi bừng tỉnh vì được truyền thêm lửa, thêm tình yêu và lòng nhiệt huyết…”.
Có thể nói, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bất ngờ tham gia liên hoan với tư cách là tác phẩm đến từ Công ty CP Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ. Họ đã góp một sắc màu khá đặc biệt cho kịch bản nổi tiếng của Lưu Quang Vũ và bước đầu được ghi nhận với 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc dành cho cá nhân.
Với bản dựng của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama và ra mắt trong những ngày đầu năm 2024, vở kịch thu hút sự quan tâm của khán giả khi “cháy vé” cả 3 đêm công diễn ở rạp Công Nhân (Tràng Tiền, Hà Nội).
Để có được hiệu ứng tích cực đó giữa thời điểm sân khấu vẫn trầm lắng, có thể thấy, từ nhà sản xuất đến ê-kíp sáng tạo của sân khấu độc lập này thực sự phải “gồng mình” theo đà: Cưỡi trên lưng hổ không có chuyện lùi!
Sau thành công này, nhà sản xuất có lời hẹn hò “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ sớm trở lại với khán giả, có thể ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nhưng cũng phải đến giữa tháng 7 thuận cùng công nghệ sĩ bỏ tâm sức tập luyện và theo đà vừa trình làng cuốn hút với khán giả ở sân chơi chuyên nghiệp toàn quốc 2024 thì vở diễn mới có thể tái diễn.
Thực ra, nhìn từ thực lực và những cống hiến của nhóm sân khấu độc lập này cho sân khấu thì việc ghi nhận từ sân chơi ấy còn gợn không ít băn khoăn song với Hoàng Điệp thì vẫn sẵn sàng hạ quyết tâm tiếp tục đem vở diễn đến với khán giả. Ngay khi chính thức công bố ngày mở màn, sự kiện đã nhận được không ít sự cổ vũ, ủng hộ.
Khi ngẫm lại cả chặng đường đã qua, nhà sản xuất tay ngang này (chị vốn là người của điện ảnh) thấy vui, tự hào và may mắn: “Cứ thử ở vào hoàn cảnh chân ướt chân ráo vác kinh nghiệm sản xuất điện ảnh sang mày mò sản xuất một vở kịch khó, đắt đỏ... chỉ vì quá yêu anh Vũ. Thế mà vở bèn cháy vé đùng đùng 3 đêm diễn, xong tự nhiên anh chị em nổi hứng đi liên hoan toàn quốc, và được luôn 3 cái huy chương”.
Đội ngũ sáng tạo, sản xuất “Búp bê” - Lucteam Theatre cũng được phen bất ngờ khi liên hoan không chỉ xướng 2 Huy chương Vàng, Bạc cho cá nhân rồi giải Đạo diễn Xuất sắc, mà còn xướng tên vở diễn ẵm giải Bạc.
Lucteam cũng là sân khấu tư nhân (Công ty TNHH Phim Đông A) do đạo diễn, NSND Trần Lực thành lập, “điều binh khiển tướng”. Họ luôn là tập thể nỗ lực tự thân của nhóm nghệ sĩ trong đó phần lớn là người trẻ “luôn hồn nhiên sống và làm nghệ thuật” (như chia sẻ của Võ Hoài Vũ).
Lý giải vì sao lại nói đó là “một đêm bất ngờ vui” và cả ê-kíp dự lễ bế mạc chủ động với tinh thần “làm khán giả cổ cũ liên hoan và các đồng nghiệp là chính”, NSND Trần Lực cho biết: “Theo thông báo của BTC khuyến khích những vở đề tài chống tham nhũng, cách mạng hoặc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong khi vở “Búp bê” nói về những vấn đề của xã hội đương đại với trí tuệ nhân tạo AI.
Mục đích của thầy trò Lucteam Theatre là tham gia liên hoan lần này để giới thiệu tới những người làm sân khấu ở Việt Nam và khán giả về một phương pháp sân khấu mới mà chúng tôi đang theo đuổi: Ước lệ - Biểu hiện”.
Và rồi, sau thành công đó, không chỉ “Búp bê” sẽ tiếp tục trở lại với khán giả yêu mến Lucteam Theatre mà “hiện chúng tôi đang tập lại các vở “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Cơn ghen của Lọ lem” và tập 1 vở mới (sắp xong). Phải có chương trình kịch mục phong phú mới diễn dài hơi được”, đạo diễn, NDND Trần Lực tiết lộ thêm.
Có thể thấy, kịch mục mà Lucteam Theatre đang chuẩn bị đỏ đèn phục vụ khán giả đều là những vở diễn có ngôn ngữ kể chuyện thú vị, hấp dẫn khán giả. Trong đó có một số vở được giới chuyên môn đánh giá cao, xuất sắc giành giải tại các kỳ cuộc liên hoan như “Quẫn” (giải Bạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ hai - 2016, giải Đạo diễn Xuất sắc cho NSND Trần Lực), “Bạch đàn liễu” (giải Vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 – 2020)…
Cùng với niềm vui “đi thi bất ngờ có giải” của sân khấu tư nhân thì liên hoan còn mang đến sự xúc động đặc biệt. Đó là, rạp hát 1.200 chỗ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc lúc nào cũng kín khán giả, thậm chí có buổi nhiều người phải ngồi cả ở phía ngoài thưởng thức vở diễn qua màn hình và được hội đồng nghệ thuật đánh giá đó là thành công lớn của liên hoan.
Đạo diễn, NSND Trần Lực cũng thán phục: “Khán giả thành phố Thái Nguyên thật tuyệt vời, tất cả các vở diễn trong liên hoan đều chật cứng khán phòng 1.200 ghế”.
Dù thắng lợi về khán giả (vé mời) và chu đáo về công tác tổ chức nhưng khi lắng lại thì liên hoan rỉ rót không ít giọt buồn.
Đầu tiên là sự thiếu vắng của các đơn vị nghệ thuật phía Nam khi chỉ có 2 đại diện: Sân khấu Trịnh Kim Chi với vở “Hai người mẹ” và Công ty giải trí Hero Film với vở “Tiếng thơ vang vọng đất trời”.
Trong khi, phương Nam là nơi hoạt động sân khấu kịch diễn ra sôi động và có những đơn vị hoạt động hiệu quả, được khán giả mến mộ như: Idecaf, Thiên Đăng, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Thế giới trẻ… song không có vở diễn tham gia liên hoan. Bởi vậy, dù có quy mô toàn quốc song thực tế liên hoan mới dừng lại ở sân chơi của các đơn vị nghệ thuật phía Bắc khi có đến 17/19 đội đua tài.
Cùng với đó còn là sự trống vắng khi quy chế không mở rộng với những đơn vị nghệ thuật thuộc các trường đại học, cao đẳng đào tạo về nghệ thuật. Theo tác giả, đạo diễn Hoàng Thanh Du, các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành đào tạo ra đội ngũ làm sân khấu thường hình thành một đoàn (nhà hát) thực hành cho các sinh viên đã tốt nghiệp hoặc năm cuối có dịp bộc lộ khả năng nhất định.
Thầy và trò cùng dàn dựng những kịch bản hay hoặc kinh điển để tích lũy kinh nghiệm cho hành trang sinh viên vững chãi vào nghề… Và cũng từ đấy các đơn vị nghệ thuật trong cả nước tìm tòi phát hiện những diễn viên đủ năng lực có phong cách phù hợp với đơn vị mình. Với những lần liên hoan trước, thầy và trò các trường nghệ thuật đó đã đạt được bao thành tích là các tấm huy chương để có những NSƯT, NSND…
“Việc cấm các đoàn (nhà hát thực nghiệm) có thâm niên của các trường đào tạo chuyên ngành lại chứng tỏ ban tổ chức của một liên hoan sân khấu chuyên nghiệp 2024 thành nghiệp dư và điều này đang đi ngược cái mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu trong Quyết định 1196: “… Từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thúc đẩy sự phát triển của sân khấu kịch nói nước nhà dựa trên chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị nghệ thuật…””, ông Du nhấn mạnh.
Đặc biệt, nỗi buồn lớn nhất về liên hoan là sự cũ kỹ, già nua. Nhìn vào 23 vở diễn dễ dàng nhận thấy có ít kịch bản ấn tượng, mới mẻ mà phần lớn cũ kỹ của những lối mòn.
Chẳng thế mà tác giả Lê Quý Hiền cảm thán trên trang cá nhân: “Từ sân cỏ thế giới (EURO) có cái mới lạ chợt ngẫm đến sân khấu nhà mình cũng đang “thi đấu” ở Thái Nguyên có điều ít thấy vở diễn mới quá. Có vở “thay tên đổi họ” tham dự các đợt liên hoan sân khấu nghĩ mà buồn! Rất mong sự xuất hiện hùng hậu của đội ngũ các tác giả và đạo diễn MỚI với những vấn đề mới đang hiện hữu trong cuộc sống!”.
Còn Hội đồng Giám khảo thì cho rằng, phần lớn các vở diễn ở liên hoan sử dụng kịch bản cũ. Bên cạnh đó là sự thiếu vắng những bài hát, bản nhạc được viết mới cho vở diễn. Phần lớn các đoàn sử dụng âm nhạc, bài hát có sẵn, ít được đầu tư phần âm nhạc...
Cùng với đó, theo quy chế, liên hoan đã trao 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc cho vở diễn. Tuy nhiên, việc xướng tên trao huy chương cho vở diễn vẫn do một nhà hát dàn dựng và từng được vinh danh ở nhiều kỳ cuộc đem lại cảm giác băn khoăn, lo âu.
Cũng vì, ở phiên bản mới vở diễn chưa có đột phá về nghệ thuật, cách kể chuyện mà chỉ thay ê-kíp diễn viên có lối diễn xuất không thực sự nổi bật so với thế hệ trước. Chẳng lẽ, sân khấu thời nay chỉ có thể “ăn mày” quá khứ như vậy sao?
Và việc tôn vinh vở diễn như thế có đem lại hiệu quả kích thích sức sáng tạo mới không hay cổ súy cho cách lao động nghệ thuật lười biếng tìm kiếm kịch bản mới cũng như không có tư duy dám đột phá.
Giữa những cái cũ ấy, thật mong manh khi một số vở diễn của sân khấu độc lập xuất hiện và thổi làn gió mới giúp liên hoan đỡ già nua, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bắt đầu từ kịch bản cũ nhưng lại có góc nhìn và cách kể chuyện thực sự mới – mang đậm phong cách kịch Noh (Nhật Bản).
Còn “Búp bê” thì phản ánh trực diện cuộc sống hôm nay: Điều gì sẽ xảy ra khi AI không cảm xúc, không biết sợ sẽ “quản trị” con người và được thể hiện bằng phong cách ước lệ - biểu hiện.
Bao nỗ lực, tâm sức là thế nhưng thật buồn khi giữa cơ chế này vẫn thấy sân khấu độc lập quá khó có cơ hội được khẳng định, ghi nhận. Con đường gian nan phía trước vẫn dài dằng dặc, họ tiếp tục cô độc, lẻ loi với những trăn trở cùng thúc đẩy sân khấu chuyển mình?
“Sân khấu luôn chờ đợi những yếu tố, câu chuyện, kịch bản thật mới mẻ và thấm đẫm tinh thần của thời đại. Tuy nhiên, có những kịch bản mà thông điệp xuyên suốt thời gian và không gian, có thể sống mãi trong lòng công chúng thì vẫn có thể làm mới bằng cách nhìn mới, cách dàn dựng mới”. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai