Có thể thấy, dù học trường công đã đỡ rất nhiều học phí, nhưng các khoản chi khác cũng "ngốn" rất nhiều quỹ thu nhập của gia đình.
Bà mẹ này cho biết, chị đã cân nhắc cầm lên đặt xuống, nhưng cuối cùng không biết bỏ khoản nào. "Mọi người có thể cho rằng nhà mình 'nghèo mà sang', cho con học đủ thứ. Nhưng với thời đại ngày nay, những môn mình cho con học thêm là rất cần thiết. Mình cũng không bắt con học tràn lan các môn để đua thành tích điểm số. Vậy nên ngẫm đi ngẫm lại, mình nghĩ chỉ có cắt tối đa các khoản của hai vợ chồng, còn con cái thì khó mà tiết kiệm được", chị nói.
Chia sẻ của bà mẹ này nhận về nhiều sự đồng cảm. Nhiều người cho rằng, dù biết là "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh", tùy tình hình mà liệu cơm gắp mắm, tuy nhiên có những khoản bắt buộc phải đầu tư cho con.
Thời đại 4.0, tiếng Anh rồi Lập trình quan trọng, khoản này không bỏ được. Học các môn năng khiếu vừa tốt cho sức khỏe, vừa rèn tính tự lập, trách nhiệm cho con. Trong số các khoản bà mẹ này liệt kê, có người gợi ý nên bỏ phần "Tiền tiểu học". Tuy nhiên, cũng có phụ huynh khuyên, với chương trình lớp 1 nặng nề như hiện nay, để con như tờ giấy trắng lên tiểu học chẳng khác nào "đem con bỏ chợ".
Một phụ huynh khác kể, dù chỉ có một cô con gái 3 tuổi nhưng vợ chồng chị cũng chóng mặt với những khoản chi phí nuôi con. Mức thu nhập hiện tại của hai vợ chồng chị khoảng 20 triệu đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 3 năm đầu đời, chi phí ăn uống của con khoảng 2 triệu/tháng bao gồm cả hoa quả, váng sữa. Ngoài ra, tiền học phí trường tư là 3 triệu đồng. Các khoản chi phí khác như tiền sữa, quần áo, đồ chơi cũng rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, sau 6 năm, tổng chi phí nuôi con hết khoảng 500 triệu đồng. Số tiền trên chưa bao gồm các khoản phát sinh, đau ốm.
Đến khi con bước sang bậc tiểu học và trung học, mức chi sẽ càng tăng lên với các chi phí đầu tư cho việc học tập, bán trú. Với những khoản chi tiêu này, mức lương 20 triệu đồng của cả hai vợ chồng cũng là chật vật để nuôi một đứa con ăn học đàng hoàng.
"Mình nghĩ rằng nhu cầu nuôi con của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, những điều cơ bản nhất dành cho con vẫn cần phải được đảm bảo. Nhiều người nói bà mẹ này 'nhà nghèo nuôi con kiểu đại gia', tiền ít mà ham cho con học đủ thứ, nhưng là cha mẹ ai cũng mong con mình không thua kém con người khác. Những khoản chi đó đều rất hợp lý. Nếu có cắt giảm, chỉ cắt khoản chi tiêu khác hoặc chấp nhận ở nhà thuê thêm vài năm, kiếm thêm nguồn thu nhập.
Theo như bà mẹ đã chia sẻ, vài năm qua họ cũng tiết kiệm trả nợ được 700 triệu. Như vậy nếu cứ tiếp tục tiết kiệm, giấc mơ mua nhà có lẽ không xa mà con cái cũng không cần cắt giảm khoản ăn học nào", người này gợi ý.