Khoa học - công nghệ

Liệu có tồn tại 1 hành tinh "sống" khác ngoài Trái đất? Phát hiện gây chấn động từ kính viễn vọng James Webb

Minh Ngọc 17/04/2025 13:46

Một hành tinh cách Trái Đất hàng trăm nghìn tỷ dặm vừa hé lộ dấu hiệu hóa học chỉ có ở sinh vật sống. Giới khoa học tin rằng, đây có thể là bước ngoặt lịch sử trong hành trình đi tìm sự sống ngoài vũ trụ.

Một hình ảnh minh họa về hành tinh K2-18 b, cách Trái đất 124 năm ánh sáng, có thể trông như thế nào. Ảnh: Nasa, CSA, ESA, J. Olmstead (STScI), N. Madhusudhan (Đại học Cambridge)

Các nhà khoa học tại Đại học Cambridge vừa công bố một phát hiện đầy hứa hẹn: họ đã tìm thấy dấu hiệu hóa học có thể liên quan đến sự sống trong bầu khí quyển của hành tinh xa xôi K2-18b – một hành tinh nằm cách Trái Đất tới 700 nghìn tỷ dặm.

Hành tinh K2-18b có kích thước gấp 2,5 lần Trái Đất và quay quanh một ngôi sao lùn đỏ. Với sức mạnh phân tích siêu việt, kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) đã giúp các nhà nghiên cứu “đọc” được thành phần khí quyển của hành tinh này thông qua ánh sáng xuyên qua nó.

Điểm gây chú ý nhất trong nghiên cứu lần này là sự hiện diện có khả năng cao của hai hợp chất hóa học: dimethyl sulphide (DMS)dimethyl disulphide (DMDS) – vốn trên Trái Đất chỉ được tạo ra bởi sinh vật đơn bào như vi khuẩn và tảo biển. Sự phát hiện này làm dấy lên hy vọng rằng K2-18b có thể đang “nở rộ” sự sống.

Giáo sư Nikku Madhusudhan – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết, lượng khí được phát hiện trong lần quan sát vừa qua cao hơn hàng ngàn lần so với lượng DMS từng được đo trên Trái Đất. “Nếu mối liên hệ giữa các hợp chất này và sự sống là có thật, thì K2-18b có thể là một hành tinh tràn ngập sự sống”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thận trọng khi đánh giá phát hiện lần này mới chỉ đạt mức độ tin cậy “ba sigma” – tương đương 99,7%. Trong khi đó, chuẩn mực khoa học để tuyên bố một khám phá là “năm sigma”, tức mức độ chắc chắn gần như tuyệt đối (99,99999%). Mặc dù vậy, so với kết quả trước đó chỉ đạt mức 68%, thì đây đã là một bước tiến lớn.

Kính viễn vọng không gian James Webb đủ mạnh để phân tích bầu khí quyển của các hành tinh cách xa hàng trăm nghìn tỷ dặm - Ảnh: BBC

Không ít nhà khoa học độc lập vẫn giữ thái độ hoài nghi. Họ cho rằng cần phải xác định chắc chắn rằng những hợp chất trên không thể được tạo ra bởi các quá trình địa chất phi sinh học. Một số giả thuyết khác cũng đặt ra khả năng K2-18b không có đại dương như từng suy đoán, mà là một hành tinh khí nhỏ hoặc thậm chí có thể có lõi dung nham – đều là những môi trường không thuận lợi cho sự sống.

Bất chấp những tranh cãi khoa học đang diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng đây có thể là thời điểm bước ngoặt. Nếu các quan sát tiếp theo xác nhận có sự sống trên K2-18b, điều đó sẽ mở ra một chương mới cho nhân loại trong hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở: Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không?

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.

Theo
https://www.bbc.com/news/articles/c39jj9vkr34o
Copy Link
https://www.bbc.com/news/articles/c39jj9vkr34o
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có tồn tại 1 hành tinh "sống" khác ngoài Trái đất? Phát hiện gây chấn động từ kính viễn vọng James Webb