'Liều thuốc' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập

Tùng Bách | 11/04/2023, 14:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Can thiệp để trẻ tự kỷ phục hồi không phải trong ngày một, ngày hai mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ.

Trong đó, gia đình vẫn là “chìa khóa” quan trọng nhất mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng để trẻ tự kỷ có cơ hội trở lại với cuộc sống tương đối bình thường.

Rào cản của trẻ tự kỷ

Từng tham dự nhiều hội thảo, sự kiện liên quan đến trẻ tự kỷ, nhà báo Kim Thoa (báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) nhận định, với sự gia tăng ngày càng nhanh và những tác hại nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ em, tự kỷ đang trở thành một vấn đề mang tính xã hội và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phương Tây.

Vì thế, công dân của họ khá am hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, tự kỷ vẫn còn là một khái niệm khá mới và không mấy người dân có hiểu biết sâu về nó để phát hiện và phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục để can thiệp cho con em mình một cách hiệu quả.

Tự kỷ ở trẻ em có nhiều mức độ khác nhau nhưng nếu ở mức độ nhẹ rất khó phát hiện. Vì vậy trong thực tế khi bố mẹ đưa trẻ tới các cơ sở điều trị thì hầu như đã làm mất cơ hội phục hồi hoàn toàn của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ sẽ gặp nhiều rào cản trong việc học tập, khó khăn trong giao tiếp, hình thành các hành vi độc lập… nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Chính vì vậy, phát hiện sớm tự kỷ đang là vấn đề quan trọng và cần thiết của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới nhằm giúp trẻ phục hồi trong quá trình can thiệp.

Nếu trẻ tự kỷ nhẹ được kiểm tra, phát hiện và can thiệp sớm thì sự phát triển của trẻ vẫn có thể diễn ra tương đối bình thường. Trong trường hợp nặng hơn thì các biện pháp can thiệp và chăm sóc lúc này chỉ có thể giúp trẻ cải thiện phần nào để biết cách giao tiếp hơn mà thôi.

Trong tham luận về giải pháp, định hướng triển khai thực hiện công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuối năm 2022, chị Thoa cho biết:

“Chìa khóa để giúp các trẻ bị tự kỷ có thể phục hồi, nâng cao khả năng nhận biết và những hành vi độc lập… chính là sự chăm sóc, gần gũi của người thân, cha mẹ để phát hiện sớm tình trạng tự kỷ ở con em mình, đưa trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt. Việc can thiệp muộn cho trẻ vô tình gia đình đã bỏ qua rất nhiều cơ hội tốt giúp con em mình có thể hòa nhập với cộng đồng”.

Để trẻ tự kỷ có thể phục hồi, ngày nay với y học tiến bộ các bác sĩ áp dụng rất nhiều biện pháp can thiệp khác nhau tùy vào biểu hiện của mỗi trẻ. Gia đình là nơi khởi nguồn sinh ra con trẻ, nuôi dưỡng con trẻ từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Sự trưởng thành đó có bền vững hay không đều xuất phát căn bản từ những bước khởi đầu quan trọng này.

'Liều thuốc' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập ảnh 1

Ảnh minh họa/INT

Vượt qua rào cản tâm lý

Để trẻ tự kỷ có thể phục hồi, ngày nay, các bác sĩ áp dụng rất nhiều biện pháp can thiệp khác nhau tùy vào biểu hiện của mỗi trẻ. Tuy nhiên, để giúp trẻ tự kỷ nâng cao các năng lực, hành vi hòa nhập với cuộc sống bình thường, ngoài biện pháp giáo dục và các loại thuốc hỗ trợ khi cần, có lẽ liều thuốc hữu hiệu nhất vẫn là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình.

Đó là sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ với con cái. Bố mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy nhất của con, là người bạn, chia sẻ với con mọi buồn vui. Vai trò ấy, ông bà không thể thay thế. Với trẻ bị tự kỷ thì bên cạnh việc cho con can thiệp, điều trị ở các cơ sở chuyên biệt, cha mẹ cần luôn bên cạnh để hỗ trợ giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thực tế hiện nay do công việc bận rộn, nhịp sống hối hả nên nhiều cha mẹ có ít thời gian dành cho con. Nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ nhưng cha mẹ không biết, hoặc phát hiện muộn. Tệ hơn, có cha mẹ biết con mình bị tự kỷ nhưng không dám chấp nhận sự thực, không cho trẻ đi học ở trường lớp chuyên biệt vì sợ bạn bè, hàng xóm dị nghị nên để con ở nhà cho ông bà chăm sóc.

“Để giúp con có cơ hội hòa nhập, có cuộc sống tốt hơn sau này, trước hết, cha mẹ cần vượt qua rào cản tâm lý của chính mình, chấp nhận rằng con đang có vấn đề và cần được can thiệp. Bên cạnh đó, nhiều gia đình khi đã xác định con mắc chứng tự kỷ thường phó mặc cho các trung tâm, cơ sở điều trị mà không biết rằng cha mẹ chính là người cứu con mình ra khỏi tự kỷ tốt nhất”, nhà báo Kim Thoa nhận định.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỷ chơi 1 giờ với bố mẹ tốt hơn 5 giờ với chuyên gia. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của các chuyên gia tự kỷ, cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của cha mẹ. Bởi hơn bất cứ bác sĩ hay thầy, cô giáo nào, cha mẹ là những người quyết định sự thành công vì họ có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên, giúp trẻ tiến bộ.

Tuy nhiên, để trở thành “giáo viên, chuyên gia của con” ở nhà thì bố mẹ cần phải học các kỹ năng qua sách báo, tham khảo các tài liệu, tham dự các lớp kỹ năng do các cơ sở chuyên biệt, các nhà chuyên môn tổ chức. Bên cạnh đó, có thể nhờ đến sự tư vấn từ xa qua video, hướng dẫn của các chuyên gia, bác sĩ, giáo viên chuyên biệt, nhà trị liệu...

Thực tế cho thấy, những trẻ em tự kỷ hiện nay phần nhiều lại được sinh ra trong gia đình kém may mắn không được hạnh phúc hoặc bố mẹ ít quan tâm, mải mê công việc bỏ bê con cái, cho con ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Những đứa trẻ tự kỷ thường tiếp xúc nhiều với mạng điện tử, với thế giới ảo…, khiến cho trẻ có những biểu hiện, cũng như những nhận thức chậm hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Liều thuốc' giúp trẻ tự kỷ hòa nhập