Liệu Ukraine có thể học hỏi ‘mô hình Israel’ trong vấn đề phòng thủ

Thu Hằng | 18/07/2023, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi NATO đang cân nhắc tư cách thành viên của Ukraine, thì “mô hình Israel” đang được Washington chú ý như một giải pháp cho khả năng phòng thủ lâu dài của Kiev.

Mỹ là quốc gia duy nhất công nhận quyền kiểm soát của Israel đối với Cao nguyên Golan và cùng với một số ít quốc gia khác coi Jerusalem là thủ đô của Israel. Hiện tại, quy chế của Bờ Tây vẫn đang bị tranh cãi cả trên trường quốc tế và bên trong Israel.

Yêu sách lãnh thổ trong cuộc xung đột Arab - Israel và trong cuộc xung đột Nga-Ukraine không tương đương nhau. Nhưng cũng như các vùng lãnh thổ ở Trung Đông, tình trạng của một số vùng của Ukraine, đặc biệt là Crimea, có thể bị tranh chấp trong nhiều thập kỷ. Kiev hầu như không thể nhanh chóng gây ra một thất bại quyết định đối với Nga để giải quyết vấn đề lãnh thổ. Và sự quan tâm ngày càng tăng của phương Tây đối với “mô hình Israel” cũng phản ánh điều đó.

Israel là một nền dân chủ, nhưng nước này đã thiết lập quan hệ với các chế độ quân chủ ở Vịnh Ba Tư, bao gồm cả Saudi Arabia để kiềm chế đối thủ mạnh nhất của mình, Iran, và xây dựng mối quan hệ với Nga để bảo đảm cho các hoạt động quân sự của họ ở Syria. Các quốc gia nằm trong khu vực lân cận Israel không có sự đảm bảo an ninh chắc chắn của Mỹ sẽ không có điều kiện “xa xỉ” là thực hiện chính sách đối ngoại theo đường lối ý thức hệ vốn được ưa chuộng ở các nước phát triển phương Tây. Tờ Washington Post cho rằng, tính toán đó cũng sẽ áp dụng cho Kiev, qua lời đề nghị của họ về bom chùm, vốn bị cấm ở Tây Âu.

Một lợi thế của mô hình Israel, đối với những người ra quyết định ở Jerusalem, là họ có nhiều tự do hơn để đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại của riêng mình so với các đồng minh của Mỹ đã ký các hiệp ước chính thức. Israel có lịch sử hành động quyết đoán và đơn phương để bảo vệ lợi ích của họ, bao gồm cả việc phá hủy các lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở Iraq năm 1981 và Syria năm 2007.

Có thể thấy một ví dụ trong cuộc chiến năm 1982 của Israel ở Liban. Thủ tướng Israel khi đó Menachem Begin đã tuyên bố với Mỹ: “Đừng dọa cắt viện trợ để buộc chúng tôi từ bỏ các nguyên tắc của chúng tôi”. Tương tự như vậy, Ukraine, được Mỹ trang bị vũ khí, sẽ theo đuổi các nguyên tắc của mình độc lập với mong muốn của Mỹ, theo mô hình của Israel.

Tất nhiên, một điểm khác biệt chính là vũ khí hạt nhân. Trong khi Israel có vũ khí hạt nhân và (hiện tại) các đối thủ trong khu vực của họ thì không, Ukraine là quốc gia phi hạt nhân đang xung đột với một cường quốc hạt nhân thế giới. Có lẽ đó là lý do tại sao Henry Kissinger (người với tư cách là ngoại trưởng Mỹ thời chiến tranh Arab – Israel năm 1973 từng giúp đưa ra “mô hình Israel”) lo ngại rằng quá nhiều quyền tự do hành động cho Ukraine có thể khiến hòa bình lâu dài với Nga khó đạt được hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với tờ Economist, ông Kissinger lo lắng rằng Ukraine “sẽ là quốc gia được trang bị vũ khí tốt nhất và có ban lãnh đạo ít kinh nghiệm chiến lược nhất ở châu Âu”. Ông nói thêm: “Tốt hơn hết là nên để Ukraine ở trong NATO, nơi họ không thể đưa ra quyết định quốc gia về các yêu sách lãnh thổ”. Ông Kissinger cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế Ukraine.

Tờ Washington Post cho rằng, phương Tây đã tính toán rằng nguy cơ xung đột quân sự với Nga là quá lớn, nên họ chưa thể vạch ra thời điểm và cách thức Kiev có thể gia nhập NATO vào lúc này. Mô hình Israel hiện là con đường ít đối kháng nhất. Nhưng cũng giống như phương Tây đôi khi phải cố gắng kiềm chế Israel - cả trong cuộc xung đột với người Palestine và trong cuộc đối đầu với Iran - thì cuối cùng phương Tây cũng có thể sẽ phải tìm cách kiềm chế một Kiev bất an trong tình hình an ninh bất ổn sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nếu mô hình Israel là một chiến lược khả thi đối với Ukraine, thì phương Tây nên hiểu rõ ý nghĩa của nó.

Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-ukraine-co-the-hoc-hoi-mo-hinh-israel-trong-van-de-phong-thu-20230717115027697.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-ukraine-co-the-hoc-hoi-mo-hinh-israel-trong-van-de-phong-thu-20230717115027697.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu Ukraine có thể học hỏi ‘mô hình Israel’ trong vấn đề phòng thủ