Linh hoạt sắp xếp đội ngũ y tế trường học

Hiếu Nguyễn | 26/02/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đội ngũ nhân viên y tế đang dần được quan tâm hơn tại các cơ sở giáo dục. 

Tuy nhiên, số lượng có đủ hay không, chuyên trách hay kiêm nhiệm lại khác nhau giữa các trường, thậm chí là trên cùng một địa bàn.

Ưu tiên nhân sự

Là cơ sở giáo dục ngoài công lập, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) có điều kiện quan tâm, tuyển dụng đủ đội ngũ làm công tác y tế học đường. Cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hương cho biết, nhân viên y tế chuyên trách của trường là cử nhân điều dưỡng, trung cấp chuyên ngành Y sĩ đa khoa, có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và kiến thức chuyên môn, khả năng xử lý công việc độc lập, yêu trẻ, am hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh.

Nhà trường tạo điều kiện để nhân viên y tế được cập nhật thường xuyên kiến thức chuyên môn qua các hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung Tâm Y tế quận tổ chức.

Không chỉ cơ sở có điều kiện, nhân sự y tế học đường được quan tâm ở cả những trường, địa phương khó khăn. Tại Hòa Bình, công tác bố trí, sắp xếp nhân viên được chú trọng. Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến chia sẻ:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/1/2022 phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 61/KH-UBND để triển khai. Căn cứ Kế hoạch này, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 174 nhân viên y tế/222 trường mầm non (tỷ lệ 78,4%); có 193 nhân viên y tế/196 trường tiểu học - THCS, 26 trường tiểu học, 26 trường THCS (tỷ lệ 79,1%); 43 nhân viên y tế/48 trường THPT (tỷ lệ 89,6%). Những cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông chưa có nhân viên y tế học đường đều bố trí một nhân viên kiêm nhiệm làm đầu mối theo dõi công tác y tế học đường; hoặc bố trí một nhân viên y tế học đường phụ trách cả hai trường (mầm non, tiểu học và THCS có khoảng cách gần nhau).

Bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tuyển dụng bổ sung đủ nhân viên y tế học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định. Đồng thời, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong cơ sở giáo dục, đảm bảo 100% các cơ sở thuộc nhóm ưu tiên (trường mầm non, trường PTDTNT) có nhân viên chuyên trách về công tác y tế trường học. 100% các cơ sở giáo dục không thuộc nhóm ưu tiên có nhân viên/giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế trường học để triển khai các nhiệm vụ theo quy định.

“Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các khoá tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ/nhân viên phụ trách công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục; Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động y tế trường học để đội ngũ nhân viên y tế trường học được đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả…”, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho hay.

Ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết, hiện toàn tỉnh có 445/507 cơ sở giáo dục được bố trí nhân viên chuyên trách y tế trường học (thiếu 62 nhân viên). Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (huyện Bình Đại), THCS Tiên Thủy (huyện Châu Thành), Tiểu học Bến Tre (thành phố Bến Tre) phân công nhân viên văn phòng làm đầu mối phối hợp với trung tâm y tế địa phương để theo dõi công tác y tế trường học. Hàng nằm, các cơ sở giáo dục ký hợp đồng với trung tâm y tế địa phương để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.

Linh hoạt sắp xếp đội ngũ y tế trường học ảnh 1
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh của nhân viên y tế tại Trường Tiểu học Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: NTCC

Biệt phái nhân viên y tế

Để giải quyết việc thiếu nhân sự, nhiều địa phương thực hiện biệt phái viên chức có chuyên môn về y tế đang làm việc tại trạm y tế xã, hoặc trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình về công tác tại trường.

Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa là 5 trong số 73 trường trên địa bàn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) có nhân viên chuyên môn y tế được biệt phái làm công tác y tế học đường. Điều này, theo cô hiệu trưởng Lê Thị Bích Hạnh, đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.

“Trước đây, khi chưa có nhân viên có chuyên môn y tế, thầy trò ốm đau không được xử lý đúng chuyên môn từ đầu mà chủ yếu chuyển lên trạm xá thị trấn hoặc bệnh viện huyện. Việc này làm mất thời gian của giáo viên giảng dạy, cũng như quá tải cho tuyến trên. Giờ đây, các bệnh lý đơn giản, hoặc tai nạn thương tích nhỏ đã được nhân viên y tế học đường xử lý đúng chuyên môn ngay tại trường. Lượng thuốc, vật tư y tế được trang bị cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, giáo viên được sử dụng triệt để, không lãng phí như trước nữa…” - cô hiệu trưởng Lê Thị Bích Hạnh.

Chia sẻ điều này, cô Lê Thị Bích Hạnh đồng thời thể hiện băn khoăn vì đây chỉ là nhân viên biệt phái có thời hạn, nên vị trí việc làm không ổn định. Hết một năm, nhà trường phải đề xuất UBND huyện qua phòng Nội vụ để xin gia hạn biệt phái. Điều đó ảnh hưởng phần nào đến công tác sắp xếp nhân sự trong trường bởi không chủ động. Từ đó, cô Hạnh mong muốn nhà trường có nhân viên đủ trình độ chuyên môn y tế làm việc chính thức để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, giáo viên, học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh và nhiều nội dung liên quan khác.

Thông tin chung về nhân sự y tế trường học trên địa bàn huyện, ông Phạm Ngọc Diễm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Hiện cả 73/73 đơn vị trường học (27 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 17 trường THCS, 1 trường TH&THCS) trên địa bàn không có nhân viên y tế chuyên trách. Các trường đã bố trí phòng Y tế, tủ thuốc, thuốc và trang thiết bị y tế cần thiết để sơ cứu; bố trí nhân viên hoặc giáo viên phụ trách phòng Y tế. Khi xảy ra sự cố ngoài mong muốn vượt quá khả năng, nhà trường phối hợp với trạm y tế xã để thực hiện công tác sơ cứu theo quy định.

Năm học 2022 - 2023 UBND huyện đã biệt phái một số viên chức có chuyên môn về y tế đang làm việc tại Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình về công tác tại trường, tuy nhiên số này không được nhiều (5/73 trường).

“Bộ phận Y tế trường học rất cần thiết, nếu không có nhân viên y tế chuyên trách sẽ gây khó khăn cho nhà trường trong việc chăm sóc sức khỏe giáo viên, nhân viên, học sinh. Bên cạnh đó, phải bố trí người theo dõi công tác y tế trong trường cũng mất thời gian để người này thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác. Phòng GD&ĐT Hạ Hòa mong muốn các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến tỉnh có cơ chế tuyển dụng nhân viên y tế trường học, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường. Việc này các trường THPT đã thực hiện tốt nhiều năm nay nhưng bậc mầm non, tiểu học, THCS còn khó khăn…”, ông Phạm Ngọc Diễm chia sẻ.

Linh hoạt sắp xếp đội ngũ y tế trường học ảnh 2
Cô Trần Thanh Thủy, nhân viên y tế Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội) hướng dẫn học sinh kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: NTCC

Nỗi lo kiêm nhiệm

Trong số các phương án: Bố trí nhân viên chuyên trách, biệt phái, kiêm nhiệm thì phương án kiêm nhiệm được cho là ít hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để xử lý tình thế, nhiều trường vẫn phải dùng cách này nhằm bảo đảm có người triển khai các công việc.

Nằm trên địa bàn vùng khó, quy mô nhỏ, Trường Tiểu học Lâm Xa - thị trấn Cành Nàng (Bá Thước, Thanh Hóa) chưa có chuyên trách về y tế học đường. Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Long, đây là thực trạng chung vì huyện Bá Thước chưa có kế hoạch tuyển dụng nhân sự vị trí này.

Do nguồn kinh phí còn hạn chế, Trường Tiểu học Lâm Xa không thể trực tiếp hợp đồng với nhân viên y tế học đường mà cử một giáo viên dạy giáo dục thể chất kiêm nhiệm công tác này. Thầy giáo làm nhiệm vụ hàng năm lập kế hoạch ngay từ đầu năm học, sau đó thông qua hội đồng trường để triển khai.

Về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thầy Nguyễn Văn Long cho biết, nhà trường trang bị tủ thuốc y tế và mua bổ sung các loại thuốc, dụng cụ y tế theo quy định của Bộ GD&ĐT (bông, băng, gạc, thuốc giảm đau, hạ sốt, cồn sát khuẩn, nẹp tạm thời…). Trường đồng thời, phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện hàng năm tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về tiện ích của việc tham gia bảo hiểm y tế học sinh; Phối hợp với trạm y tế xã mời cộng tác viên đến tham gia các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về công tác y tế. Cùng đó trường đã tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh dịp hè theo kế hoạch của Phòng GD&ĐT; Cử giáo viên đi tập huấn về công tác y tế học đường, sau đó triển khai đến từng học sinh về tầm quan trọng của sức khỏe trường học, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

“Vấn đề trăn trở nhất là giáo viên kiêm nhiệm sẽ rất khó khăn trong triển khai công việc vì thầy cô không có nghiệp vụ chuyên môn. Mong rằng, nhà trường được UBND huyện Bá Thước tuyển dụng và biên chế nhân viên y tế học đường, từ đó phục vụ tốt công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Qua các đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã thấy tầm quan trọng của nhân viên y tế học đường đến mức nào…”, thầy Nguyễn Văn Long chia sẻ.

“Y tế học đường đóng vai trò quan trọng, bởi trong y học, sơ cấp cứu còn quan trọng hơn điều trị, tác động đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của các em. Hiện nay, nhân viên y tế còn chịu trách nhiệm chính phòng các bệnh trong trường học; an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu xảy ra ngộ độc... Với công việc đặc thù, người không có chuyên môn kiêm nhiệm khó có thể làm tốt. Nhân viên chuyên trách sẽ giúp nhà trường có điều kiện thực hiện hiệu quả công tác y tế học đường…”, cô Huỳnh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh hoạt sắp xếp đội ngũ y tế trường học