(GDTĐ) - Hình tượng chim Hạc từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong phong thuỷ như đặt tại các công trình kiến trúc cổ, biểu thị qua các vật phẩm phong thuỷ trưng bày… Vậy chim Hạc trong phong thuỷ có ý nghĩa như thế nào?
Linh vật chim Hạc
Theo truyền thuyết, các tiên nhân thường cưỡi hạc để di chuyển được gọi là “hạc ngự”, “hạc giá” nên sau này, người ta thường dùng những từ này nhằm ám chỉ người thần tiên, đạo sĩ tu tiên.
Loài chim hạc mang khí phách phong độ của những bậc tiên nhân đạo sĩ nên được cho là có quan hệ mật thiết với thần tiên, linh vật của Đạo giáo.
Chim hạc là hiện thân cho sự cao quý luôn được mọi người coi trọng. Trong sách cổ chép rằng hạc được miêu tả giống như người quân tử không dâm, không dục, trong sạch thuần khiết, tiếng kêu mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.
Người xưa từng gọi những người tu hành mà có tiếng tăm tốt là “hạc minh chi sĩ” hoặc ví hạc như những người ưu tú, có học thức.
Những bức tranh với hình ảnh hạc phong thuỷ thể hiện sự thanh liêm, chính trực, không tham lam, sa đoạ. Việc trưng bày hạc phong thuỷ thể hiện sự cao sang quyền quý, mang tính thẩm mỹ cao.
Loài chim này cũng tượng trưng cho sự trường thọ. Trong sách cổ “Tướng hạc kinh” có ghi “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm) hay “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính).
Vì vậy chim hạc được sử dụng để trang trí trên nhiều vật phẩm chúc thọ như tranh, câu đối, bình phong chúc thọ, đồ chạm khắc… nhằm biểu đạt lời chúc trường thọ, sự bền vững trong công danh, sự nghiệp.
Hình ảnh chim hạc trong các tác phẩm nghệ thuật thường đi thành đôi hay bầy. Sự kết hợp này chính là biểu tượng của gia đình êm ấm, hạnh phúc, tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, con cháu đầy đàn, gia đình hoà thuận, đoàn kết.
Bài trí hình tượng chim Hạc theo phong thuỷ
Chim Hạc được sử dụng rộng rãi trong vật phẩm trang trí như tranh phong thuỷ, công trình kiến trúc cổ, vật phẩm phong thuỷ trưng bày…
Một số hình ảnh của chim Hạc quen thuộc như: Hạc bay vút lên trời (thể hiện việc hướng tới thế giới mới); Hạc trắng có lông đỏ trên đỉnh đầu mang đến may mắn, giúp gắn kết gia đình; Thọ tinh cưỡi hạc (biểu tượng cho sự trường thọ); Tùng hạc diên niên (hạc bên cây tùng, tượng trưng cho sự kiên cường, cố gắng vì mục tiêu); Hạc đứng trên phiến đá (nhất phẩm đương triều, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ trước khó khăn, thử thách).
Tượng hạc được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đá, đồng, gỗ...
Hạc bằng chất liệu đá tự nhiên nguyên khối được sử dụng ở nhiều công trình kiến trúc mang lại tính thẩm mỹ và có độ bền cao. Đôi hạc được bày quay vào lư hương, tạo ra sự trang nghiêm, thành kính. Đôi hạc cũng được đặt trước cổng đền hoặc nhiều nơi thường đặt hạc hướng vào chánh điện.
Cách đặt tranh/tượng Hạc phong thuỷ:
Khi bài trí tranh hạc phong thuỷ trong nhà, gia chủ cần phải chú ý hướng đặt tranh sao cho phù hợp để mang lại nhiều điều cát tường, may mắn cho gia đình.
Đặt vào hương Đông sẽ tốt cho con trai, cháu trai trong gia đình.
Đặt vào hướng Tây mang đến thuận lợi cho con cái.
Đặt vào hướng Nam là hướng tốt nhất nhằm tạo ra nhiều cơ hội tốt, giúp thăng tiến trong sự nghiệp.
Đặt vào hướng Bắc để cầu mong sự trường thọ.
Ngoài ra, tấm bình phong in hình chim hạc có thể ngăn chặn sát khí, trừ tà ma, bảo vệ ngôi nhà và giúp các thành viên gặp nhiều may mắn.
Nên đặt tranh hạc phong thuỷ ở những nơi đắc địa như phòng khách, phòng làm việc và tránh những nơi nhiều âm khí như phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm…
Một số gia chủ cũng bày đôi hạc bằng đồng trong bàn thờ cúng gia tiên, dòng họ. Hạc thờ thường được chế tác là hình ảnh chim hạc đứng trên lưng rùa, miệng ngậm cành sen.
Bên cạnh tượng hạc, gia chủ cũng có thể bài trí thêm các vật phẩm tâm linh khác như cuốn thư đá, lư hương… để tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như sự linh thiêng cho khu vực thờ cúng.
Đôi hạc đồng trên ban thờ là hình ảnh mang ý nghĩa linh thiêng, thể hiện khát vọng hướng đến những điều tốt đẹp, sức khoẻ, may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng đến cả gia đình. Đây cũng chính là những mong cầu mà con cháu gửi đến ông bà, tổ tiên.