Văn hóa

Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P1)

Hà Thuỷ (T/h) 28/12/2023 06:08

(GDTĐ) - Linh vật của Việt Nam rất phong phú, là một phần không thể tách rời trong văn hóa truyền thống. Từ xa xưa, con Rồng đã có trong tâm thức người Việt với nhiều truyền thuyết linh thiêng mang ý nghĩa lớn lao về vũ trụ và nhân sinh.

Trong văn hóa Việt Nam, linh vật là những con vật linh thiêng, có thể là sinh vật huyền thoại hoặc con vật có thật nhưng được linh hóa, nhằm biểu trưng cho một niềm tin tâm linh nào đó.

Nhắc đến linh vật, đa phần mọi người đều tin rằng đây là hiện thân của các hiện tượng siêu nhiên huyền bí, đồng thời cũng phản ánh lực lượng tự nhiên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới vũ trụ và nhân sinh.

Vì tính chất linh thiêng, linh vật thường được đặt tại những nơi như đền, chùa, miếu, cổng làng, bàn thờ… với mong muốn mang lại cuộc sống an bình cho người dân.

Theo dòng lịch sử, văn hóa Việt đã phát triển cũng như chịu ảnh hưởng của nhiều nên văn hóa lớn lân cận, sinh ra nhiều linh vật phong phú, mang nhiều nét độc đáo riêng. Hình tượng linh vật xuất hiện trên nhiều hiện vật lịch sử của Việt Nam.

rong-o-lang-khai-dinh.jpg
Tượng Rồng tại Lăng Khải Định - Thừa Thiên Huế.

Rồng là một biểu tượng thiêng liêng

Trong 12 con giáp, Rồng đứng vị trí thứ năm. Mười một con giáp khác là những con vật có thực và gần gũi trong cuộc sống con người. Chỉ có con rồng là không có thực. Nhưng nhắc đến rồng, người ta nghĩ đến một con vật linh thiêng, cao quý, có vóc dáng to lớn, là sự kết hợp các yếu tố mạnh mẽ của các loài vật mạnh mẽ nhất. Do đó, Rồng gắn liền với biểu tượng quyền uy của vua chúa.

Đến nay, vẫn còn đang tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc của rồng. Có ý kiến cho rằng: Tiền kiếp của rồng qua những hình tượng được diễn tả trong mỹ thuật cổ, như ngày nay chúng ta thường nhìn thấy, chính là quá trình phát triển và hoàn thiện hoá từ loài cá sấu – một sinh vật có từ thời cổ đại, sống trong các vùng đầm lầy ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, hay có gốc gác từ con thuỷ quái Makara, hoặc từ hình tượng rắn thần trong truyền thuyết Ấn Độ.

Song dù lý giải như nào về nguồn gốc rồng thì trong tâm thức của người Việt, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm – dương, trời – đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước.

Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người.

rong-dien-kinh-thien.jpg
Tượng rồng tại Điện Kính Thiên, Hà Nội.

Hình tượng con Rồng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam

Rồng là biểu tượng vật linh trong tín ngưỡng văn hoá dân gian. Rồng được sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật và có mặt trong các thời kỳ nghệ thuật truyền thống của các vương triều tự chủ.

Hình tượng Rồng gắn với những huyền tích hình thành lên các vùng đất: Sự tích Thăng Long – Rồng bay lên (Đại La, Hà Nội); sự tích Vịnh Hạ Long – Rồng hạ cánh (ở Quảng Ninh); Vịnh Bái Tử Long – Cung kính rồng; đảo Bạch Long Vĩ – Rồng trắng; sông Cửu Long – Chín rồng; sông Hoàng Long – Rồng vàng…

Hình tượng Rồng được sáng tạo, thể hiện phong phú, chiếm vị trí quan trọng trong các hợp thể kiến trúc (hoàng cung, chùa, miếu, đền, đình). Các vương triều đều lấy hình tượng Rồng hoàn chỉnh là biểu tượng quyền uy của vương triều. Rồng không hoàn chỉnh vẫn được trang trí, cầu cúng nằm ngoài phạm vi vương triều.

Từ thời Lý, thời Trần, phong cách Rồng nhất quán hoặc tập trung rõ đặc trưng (ở đầu và khúc uốn). Từ thời Lê sơ, Mạc đến thời Nguyễn, hình tượng Rồng phát triển rực rỡ với nhiều tư thế đa dạng là biểu tượng dân tộc.

Hình Rồng mỗi vương triều đều có đặc điểm và phong cách trong sự phát triển của nghệ thuật tạo hình truyền thống. Nó là dấu ấn quan niệm thẩm mỹ, sắc thái dân gian mang đặc thù dân tộc.

Rồng là con vật có sự kết hợp của nhiều loài khác nhau: đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng cóc, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ.

Thân rồng uốn hình rắn, 12 khúc đại diện cho 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hoá và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.

Miệng rồng luôn ngậm viên minh châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. Đầu vuông, mõm rồng ngắn, mũi to, nét mặt thông thái vui vẻ, đạo mạo. Toàn thân rồng toát lên uyển chuyển, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến lên, chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại.

Rồng được dân gian đưa vào nơi thờ tự. Hình ảnh ảnh rồng luôn trong tư thế nằm chầu, nghĩa là sẵn sàng để bảo vệ, che chở, phục vụ. Rồng uốn lượn trên mái đình. Rồng uốn cong theo cột xây chùa. Rồng nằm phục chầu bên tượng Phật. Đầu rồng nâng bước chân Phật Bà Quan Âm giữa sóng gió biển khơi.. Phật Bà đứng uy nghi trên đầu rồng. Rồng xuất hiện cùng Phật bà mang lại sự bình an, hạnh phúc cho chúng sanh.

Vào thời Trần, về kiểu dáng cơ bản rồng vẫn như rồng Lý, vẫn có chất phóng khoáng, thoải mái, tươi mát, uốn sóng nhỏ dần, nhưng đã có một số thay đổi. Cái đẹp lúc này toát ra trong tính hiện thực và sự mập khoẻ, đẫy đà, giàu sức sống.

Hình tượng rồng thời Lê Sơ có 7 khúc uốn, từ to đến nhỏ dần, toàn thân có vảy đơn, 4 chân to, mập, mỗi chân có 5 ngón với móng sắc xoè rộng. Đầu rồng to được thể hiện theo hướng nhìn chính diện. Chiếc sừng chẽ chạc như kiểu sừng hươu, đôi tai xuất hiện to và rõ ràng, cái mũi giống như mũi của một loài thú dữ ăn thịt, có người gọi là mũi sư tử. Miệng rồng há rộng trông giống miệng cọp, hai mắt lồi to, nằm trong hốc mắt sâu, trên mép gần hai cánh mũi mọc ra hai sợi ria dài, phía dưới cằm có một cụm bờm cổ, thô dày và những sợi râu dài. Con rồng thời kỳ này hội tụ tất cả những gì tinh tuý nhất của nhiều loài vật kể cả vật biết bay, ở dưới nước, ở trên cạn: sừng nai, tai thú, mắt kỳ đà, mũi sư tử, vảy cá chép, vuốt chim ưng toát lên vẻ dữ dằn, đầy tính áp chế, thể hiện uy quyền tối thượng của đấng quân vương.

Thời Lê Sơ, hình tượng rồng xuất hiện phổ biến trên các bia đá. Điển hình là đôi rồng đá ở Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử giám, ở các bia lăng, mộ vua chúa nhà Lê ở Lam Kinh, Thanh Hoá.

Rồng cũng được trang trí bằng vật liệu quý hiếm, thể hiện ở những vị trí trang trọng như: Long hàm thọ (Rồng ngậm chữ thọ), Lưỡng long triều nguyệt (hai Rồng chầu mặt trời). Rồng thể hiện qua hình ảnh Long ẩn (Rồng lúc ẩn, lúc hiện giữa sóng nước, trời mây) - ở cánh cổng Văn Miếu (Hà Nội). Rồng được cách điệu thành “Vân hoá Long” - tức là mây được cách điệu thành Rồng. Hiện tượng “hoá Long” cũng thấy ở bia tiến sĩ (Văn Miếu – Hà Nội).

Như vậy, hình tượng Rồng gắn bó, hoà hợp và thể hiện đa dạng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Việt. Năm Thìn, vì thế, cũng được coi là một năm rất đẹp, nhiều may mắn và thịnh vượng.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Đặt linh vật nào trong nhà để chiêu tài lộc, tránh vận xui?
(GDTĐ) - Linh vật phong thủy được đặt trong nhà với mục đích làm cho nhà cửa hài hòa và êm đềm hơn. Vậy những loại linh vật nào phù hợp đặt trong nhà?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh vật của Việt Nam: Hình tượng Rồng trong đời sống văn hoá, tâm thức của người Việt (P1)