Loại trừ vấn đề sao chép, mua bán sáng kiến kinh nghiệm

25/04/2024, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều GV bày tỏ vui mừng khi từ nay, sáng kiến - kinh nghiệm không còn là điều kiện bắt buộc trong quá trình làm hồ sơ xét danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở...

Bày tỏ đồng tình với quy định mới được nêu trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, cô Đào Thị Luyến - Trường Tiểu học Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay, thầy cô ai cũng cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm trong việc giảng dạy.

Sáng kiến - kinh nghiệm được tích lũy trong thực tế qua từng bài giảng với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng chuyên môn. Song với yêu cầu phải có sáng kiến - kinh nghiệm gắn với xét cộng nhận CSTĐ cấp cơ sở đã tạo ra những áp lực không nhỏ đối với giáo viên và thiếu tính thực tế.

Ngoài ra, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 không có quy định khống chế tỷ lệ % giáo viên đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở như những năm học trước cũng là tín hiệu đáng mừng. Điều này giúp các thầy cô thêm động lực để phấn đấu.

“Sáng kiến - kinh nghiệm là hình thức tốt nếu nó được thực hiện khoa học, bài bản, được kiểm chứng và áp dụng rộng rãi trong thực tế. Sáng kiến - kinh nghiệm phải được đúc rút từ thực tế giảng dạy của giáo viên mới có chất lượng. Khi quy định mới về xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở triển khai sẽ khắc phục tình trạng “copy – paste” các sáng kiến - kinh nghiệm như một số nơi đang làm”, cô Luyến nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, trước đây giáo viên muốn xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở thì sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện “cứng” phải có; sáng kiến phải đảm bảo tính thực tiễn và áp dụng hiệu quả. Đây là mục tiêu đúng đắn nhằm đánh giá đúng năng lực của thầy cô. Tuy nhiên, ở nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức gây bức xúc cho giáo viên khi phải làm sáng kiến - kinh nghiệm.

“Theo quy định mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, giáo viên không nhất thiết phải có sáng kiến - kinh nghiệm khi xét tặng danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở là điều nhiều thầy cô mong mỏi.

Dù vậy, để bình xét thi đua hoặc khen thưởng, cấp trên sẽ phải dựa vào những căn cứ cụ thể để minh chứng cho sự nỗ lực, cống hiến, sáng tạo của giáo viên. Vì thế, mỗi cơ sở giáo dục cần có cách thức triển khai tổ chức, đánh giá giáo viên thật công tâm, bám theo quy định hiện hành để đảm bảo công bằng, minh bạch khi bình xét thi đua”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

Thầy Vũ Văn Tùng - Trường Tiểu học & THCS Đinh Núp (Ia Pa, Gia Lai) bày tỏ, bỏ viết sáng kiến - kinh nghiệm trong bình xét thi đua là việc nên làm. Trước hết, thi đua là cả quá trình cố gắng trong các hoạt động, không chỉ cứ căn cứ vào sáng kiến - kinh nghiệm. Việc này sẽ giảm bớt áp lực và thời gian cho giáo viên.

Thực tế nhiều năm công tác, có người viết nhiều sáng kiến - kinh nghiệm và được công nhận nhưng lại không được áp dụng rộng rãi dù viết hay. Do đó, không nên chỉ dựa vào vài báo cáo để đánh giá cả quá trình phấn đấu của nhà giáo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/loai-tru-van-de-sao-chep-mua-ban-sang-kien-kinh-nghiem-post680634.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/loai-tru-van-de-sao-chep-mua-ban-sang-kien-kinh-nghiem-post680634.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loại trừ vấn đề sao chép, mua bán sáng kiến kinh nghiệm