Loay hoay bù lấp thiếu giáo viên ở một huyện miền núi

Thế Lượng | 23/09/2022, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thiếu giáo viên ở Thanh Hóa đã, đang diễn ra lâu nay. 

Thế nhưng, triển khai chương trình mới, tình trạng này trở nên trầm trọng, nhất là với môn Tin học, Tiếng Anh. Đặc biệt, huyện miền núi Quan Sơn có duy nhất giáo viên Tin học dạy bậc tiểu học.

Loay hoay tìm giải pháp

Huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) có 14 trường tiểu học, trong đó có 2 trường liên cấp (tiểu học và THCS). Tuy nhiên, hiện huyện chỉ có 1 giáo viên dạy môn Tin học.

“Trước mắt, chúng tôi chọn giải pháp như vậy để học sinh được tiếp cận môn học. Về lâu dài, phòng GD&ĐT đã đề nghị UBND huyện và cấp trên cho tuyển dụng giáo viên dạy Tin học, nếu không sẽ không thể đáp ứng được theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phòng sẽ điều động giáo viên Tin học, Toán – Tin ở bậc THCS để dạy tăng cường cho các trường tiểu học. Ngoài ra, phòng cũng yêu cầu thành viên ban giám hiệu, nếu người nào có chuyên môn dạy Toán – Tin, thì tham gia hỗ trợ dạy môn Tin học”, ông Hà nói.

Ông Lê Huy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Quan Sơn cho biết, huyện có 14 trường, trong đó có 2 trường liên cấp. Với tổng số 24 điểm trường lẻ mà chỉ có duy nhất giáo viên, việc bố trí dạy môn Tin học vô cùng khó khăn. Do đó, huyện đưa ra giải pháp tình thế, điều giáo viên dạy Toán – Tin của bậc THCS dạy hỗ trợ cho các trường tiểu học.

Bên cạnh đó, huyện tính phương án để giáo viên dạy trực tuyến. Tức là giáo viên Tin học dạy ở một lớp, đặt điện thoại ở điểm cố định trong lớp, quay và phát qua Zalo/Zoom. Các trường còn lại vào nhóm chung để cùng nhau học theo dạng “cuốn chiếu”. Ví dụ: Buổi này học 3 tiết thì tất cả các trường tiểu học còn lại trên địa bàn đều học trực tuyến. Giáo viên trợ giảng hướng dẫn học sinh học qua màn hình tivi. Nếu lớp không có tivi, thầy cô đưa học sinh lên hội trường để học.

Là giáo viên duy nhất dạy môn Tin học, cô Phạm Thị Thủy (Trường Tiểu học và THCS thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn) cũng mới nghe thông tin từ phòng GD&ĐT về việc thực hiện dạy theo hình thức trực tuyến cho các trường. Tuy nhiên, cô Thủy cho rằng, thực hiện theo phương pháp trực tuyến, cần phải xây dựng thời khóa biểu thật cụ thể, để các trường cùng học một thời điểm nhất định.

“Khi đã có thời khóa biểu tại một thời điểm, giáo viên các trường phải quản lý học sinh. Đồng thời, phải có thiết bị, cài đặt tài khoản để cùng học trực tuyến qua Zoom. Nếu giáo viên các trường quản lý học sinh tốt và cùng trợ giảng với người dạy ở điểm cầu chính, thì đây là hình thức khả quan giúp học sinh nắm được kiến thức”, cô Thủy chia sẻ.

Chờ người dự tuyển

Trường Tiểu học Sơn Lư, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) với 308 học sinh, trong đó có một điểm trường lẻ tại bản Bìn. Hiện, nhà trường chưa có phòng máy để phục vụ bộ môn Tin học.

Theo thầy Hiệu trưởng Ngân Văn Liêm, nhà trường chưa có giáo viên dạy Tin học. “Chúng tôi rất lo lắng, vì thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh lớp 3 bắt buộc phải học Tin học. Thế nhưng, không có giáo viên, không có thiết bị dạy học nên chưa biết phải xoay xở ra sao. Nhà trường đang chờ hướng dẫn từ cấp trên để thực hiện”, thầy Liêm nói.

Loay hoay bù lấp thiếu giáo viên ở một huyện miền núi ảnh 1

Cô và trò tại điểm trường Sa Ná – Trường Tiểu học Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) chào đón năm học mới.

Theo thông tin từ Phòng Nội vụ huyện Quan Sơn, hai năm qua, địa phương đề nghị tỉnh cho phép tuyển dụng giáo viên dạy Tin học. Tuy nhiên, khi tổ chức tuyển dụng, không có hồ sơ ứng tuyển bộ môn này.

Thầy Hoàng Văn Sáu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy (Quan Sơn) cho biết, trường có hơn 400 học sinh, trong đó 100 em ở 3 điểm lẻ xa xôi, khó khăn nhất, gồm: Mùa Xuân, Xía Nọi và bản Khà.

“Mặc dù nhà trường mới được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có phòng học bộ môn Tin học, nhưng lại không có giáo viên. Vì thế, nhà trường đang chờ hướng dẫn của phòng GD&ĐT huyện”, thầy Sáu nói.

Cũng theo thầy Sáu, do trường có học sinh người Mông nhà cách xa điểm chính hơn 20km, nên đang xây dựng đề án trình cấp trên xin thành lập trường bán trú.

“Nếu thành lập được trường bán trú, nhà trường sẽ đón các em học sinh lớp 3, 4, 5 xuống điểm chính để thuận tiện cho việc dạy học và chăm sóc các em. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng tôi phải lên bản vận động bà con cho con, em xuống trường chính để ăn học. Khi đó mới có thể dạy Tin học cho các em. Ngược lại, nếu không thành lập trường bán trú được, việc dạy môn học này cho học sinh ở các điểm lẻ xa xôi vô cùng khó khăn”, thầy Sáu bộc bạch.

Thiếu giáo viên Tin học ở địa phương này rất trầm trọng. Trong khi đó, Quan Sơn là huyện vùng cao, biên giới có nhiều điểm trường lẻ xa xôi, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó học sinh lớp 3 phải học môn Tin học rất nan giải.

Chia sẻ thông tin, ông Chu Đình Trọng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đồng thời trao đổi: “Năm ngoái, huyện cũng thông báo tuyển dụng, nhưng không có hồ sơ nào tham gia. Theo kế hoạch năm nay, huyện cũng tuyển giáo viên Tin học, nhưng chẳng biết có người nào đăng ký dự tuyển hay không”, ông Trọng băn khoăn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 594 trường tiểu học và 71 trường liên cấp (tiểu học và THCS), nhưng hiện thiếu tới 317 giáo viên Tin học cho bậc tiểu học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loay hoay bù lấp thiếu giáo viên ở một huyện miền núi