Thời sự

Lời kể từ tâm chấn động đất ở Kon Tum

30/07/2024 08:01

Một ngày sau khi hứng chịu hàng loạt trận động đất liên tiếp, trong đó có trận lớn nhất từ trước tới nay (5.0 độ), người dân vùng tâm chấn vẫn lo sợ.

Gia đình chị Y Móc lo lắng khi ở trong căn nhà gỗ

Gia đình chị Y Móc lo lắng khi ở trong căn nhà gỗ

Nổ như “bom”

Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum), nằm trên đỉnh núi cao, nay đang vào mùa mưa cộng với động đất liên tục, khiến người dân lo sợ xảy ra tình trạng sạt lở đất. Nhiều người muốn tìm vùng đất bằng phẳng hơn để yên tâm cất nhà sinh sống.

Cách thủy điện Thượng Kon Tum khoảng 15 cây số, lúc xảy ra trận động đất lớn nhất, chị Y Móc (40 tuổi), cùng mấy chị em trong làng đang làm ngoài đồng. Khoảng 11h trưa, ai nấy đều cảm nhận được mặt đất rung nhẹ. Đột nhiên lúc sau, mặt đất, máy xay lúa rung mạnh khiến cả nhóm hoảng loạn.

“Tiếng nổ như tiếng bom khiến ai nấy đều hết hồn, la toáng lên, sợ cái nhà nó sập. Cả nhóm liền chạy ra ngoài đường lớn. Sau đó nghe như tiếng nước chảy. Vài giờ sau dân trong thôn cảm nhận được rung lắc. Đến hôm nay, tôi vẫn còn sợ nên không dám đi làm”, chị Y Móc lo lắng.

Theo chị Y Móc, động đất ở đây xảy ra thường xuyên như cơm bữa, có khi đêm ngủ, 3 mẹ con đều cảm nhận được giường rung nhẹ. Lúc đó chén bát chạm nhau phát ra tiếng. Đêm tối, cả nhà đều sợ nhưng cũng chỉ biết nằm trên giường, đợi cho qua chuyện.

“Ban ngày xảy ra động đất mình vẫn chạy được nhưng ban đêm đất đồi sạt lở, hay nhà sập như bẫy chuột thì sao chạy nổi. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền sớm có hướng khắc phục hoặc di dời đến nơi ở khác để bà con yên tâm sản xuất”, chị Y Móc nói.

Ông A Dinh, Trưởng thôn Đăk Tăng cho biết, thôn có 120 hộ dân với 340 nhân khẩu, có khoảng 70 hộ dân làm nhà trên đỉnh núi cao nhất xã. Trước đây, tất cả số hộ dân trên sinh sống gần khu vực sông Đăk Snghé, đến năm 2015, các hộ dân nhường đất để xây dựng lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Nơi ở mới nằm chênh vênh trên một mỏm đồi lở lói, có tên Đăk Tăng.

“Thôn cách thủy điện Thượng nguồn Kon Tum khoảng 15km. Vài năm trở lại đây, khi thủy điện hoạt động, lúc nào trên địa bàn thôn cũng xảy ra động đất nhưng không biết nguyên nhân là gì.

Trước đó, nhiều lần huyện Kon Plông tổ chức diễn tập về kỹ năng ứng phó khi xảy ra khi động đất tại thôn. Tuy nhiên bà con trong thôn vẫn lo lắng, bất an khi động đất xảy ra ngày càng nhiều và độ rung ngày càng lớn”, ông A Dinh cho hay.

Người dân sinh sống ở ven núi quanh hồ chứa thủy điện Đắk Rinh, huyện Kon Plông

Người dân sinh sống ở ven núi quanh hồ chứa thủy điện Đắk Rinh, huyện Kon Plông

Trường học bị đe dọa

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum (Ban Chỉ huy PCTT-TKCN), trên địa bàn huyện Kon Plông có tới 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình có hồ chứa, gồm Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đăk Đrinh và Thủy điện Đăk Re; 125 công trình thủy lợi; 23 đập dâng. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng sau các trận động đất vừa qua.

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III, phòng ở học bán trú (103 phòng với 690 học sinh bán trú), chủ yếu là công trình cấp VI. Các công trình trên khi thiết kế chưa tính đến tác động của động đất.

Tương tự, nhà ở khu vực trung tâm huyện chủ yếu là nhà cấp IV được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông. Đặc biệt, nhà ở của người dân tại các thôn bản đa số làm bằng gỗ, các kết cấu liên kết với nhau bằng liên kết mềm chỉ đạt 3 cứng, không xác định được cấp. Bởi vậy, các loại công trình này khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông...Nếu cường độ động đất lớn sẽ sập đổ.

Thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, Kon Tum), nằm trên đỉnh núi cao, nay đang vào mùa mưa cộng với động đất liên tục, khiến người dân lo sợ xảy ra tình trạng sạt lở đất. Nhiều người muốn tìm vùng đất bằng phẳng hơn để yên tâm cất nhà sinh sống.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân nên chưa xác định được đơn vị (thủy điện - PV) nào gây ra động đất.

Khi xác định được đơn vị gây ra động đất mới có phương án tiếp theo liên quan tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo ông Nhất, tỉnh Kon Tum cũng đã kiến nghị Viện Vật lý Địa cầu sớm hoàn thành đề tài nghiên cứu, có kết luận chính thức về nguyên nhân xảy ra động đất nhưng chưa xong.

“Tỉnh thường xuyên phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu để tập huấn cho người dân địa bàn huyện Kon Plông phòng tránh khi có động đất xảy ra.

Cùng với đó, Sở đề nghị các đơn vị liên quan đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt, thường xuyên theo dõi, thông tin những vấn đề phát sinh đến các đơn vị và địa phương để phối hợp xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, tính mạng người dân vùng thượng, hạ du thủy điện”, ông Nhất cho biết thêm.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/loi-ke-tu-tam-chan-dong-dat-o-kon-tum-c46a1589644.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/loi-ke-tu-tam-chan-dong-dat-o-kon-tum-c46a1589644.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời kể từ tâm chấn động đất ở Kon Tum