Trong Chương trình GDPT 2018, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mĩ thuật được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ cho học sinh.
Thế nhưng đến nay việc tổ chức dạy học môn học này trong trường phổ thông chưa đạt như kỳ vọng. Các môn nghệ thuật vẫn được quan niệm là môn phụ, chất lượng dạy và học chưa phản ánh đúng ý nghĩa bộ môn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị thực tế của môn học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy học các môn nghệ thuật còn hạn chế, trong đó chủ yếu là tình trạng thiếu giáo viên. Hiện chỉ có cấp tiểu học cơ bản đạt về số lượng, cấp THCS thiếu một ít, song không nhiều giáo viên được đào tạo chuyên ngành, chủ yếu dạy ghép môn. Do không được đào tạo chuyên ngành, khả năng, năng khiếu, sức sáng tạo về nhạc, họa của đội ngũ còn hạn chế.
Đáng lo ngại nhất ở cấp THPT khối công lập gần như chưa triển khai được việc dạy học các môn nghệ thuật. Nếu chỉ tính mỗi trường cần ít nhất 1 giáo viên môn Âm nhạc và 1 giáo viên Mĩ thuật, cả nước đang thiếu khoảng 4.800 giáo viên dạy các môn nghệ thuật cấp THPT. Điều đó khiến phần lớn các trường không thể xếp nghệ thuật vào nhóm tổ hợp để học sinh lựa chọn, thiệt thòi quyền lợi cho các em.
Để khắc phục khoảng trống giáo viên, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, giải pháp mời nghệ sĩ tham gia giảng dạy các môn nghệ thuật được đặt ra. Các ca sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ có kiến thức chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm cùng những thành tích đạt được, được kỳ vọng sẽ là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh yêu thích nghệ thuật.
Tuy vậy, trên thực tế thời gian qua, giải pháp này chỉ được triển khai hiệu quả ở các trường tư thục, trường quốc tế và một vài trường công lập định hướng tiên tiến. Ở đại đa số trường học công lập, đặc biệt vùng sâu xa, không dễ mời được nghệ sĩ tham gia giảng dạy. Giáo dục nghệ thuật với sự tham gia của nghệ sĩ (nếu có), chủ yếu thông qua hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt câu lạc bộ, hiếm trường hợp nghệ sĩ đứng lớp chính khóa.
Nguyên nhân khiến các trường chưa mạnh dạn mời nghệ sĩ đứng lớp do hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng về tiêu chuẩn (bằng cấp, nghiệp vụ sư phạm…), cơ chế hợp đồng (thỉnh giảng hay lao động), nguồn lực tài chính và mức chi trả thù lao…
Một số hiệu trưởng cho biết, nghệ sĩ có kinh nghiệm thực tiễn về nghệ thuật nhưng không phải ai cũng đạt chuẩn đào tạo (ví dụ có bằng đại học), có nghiệp vụ sư phạm, am hiểu tâm lý lứa tuổi, để có thể đứng lớp theo chương trình như giáo viên. Thù lao tiết dạy trong trường công lập theo quy định chung khá thấp, mà vào tiết chính khóa thì khó xã hội hóa, nên không dễ dàng thu hút được nghệ sĩ đứng lớp.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo giáo viên nhóm môn này, việc mời nghệ sĩ tham gia giảng dạy trong nhà trường là hướng đi đúng đắn. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về cách làm này và khẳng định: “Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển. Học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ”.
Lối mở cho giáo dục nghệ thuật đã có, vấn đề quan trọng nhất là xây dựng cơ chế như thế nào để các trường thuận lợi trong triển khai. Song song với việc sớm tạo hành lang pháp lý phù hợp, tới đây cũng cần mở rộng các khóa học bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học (bằng các mô-đun, tín chỉ) cho nghệ sĩ và cả sinh viên nghệ thuật mới ra trường chưa có việc làm.
Có thêm kiến thức sư phạm, phương pháp và cách tiếp cận mới, cùng với kinh nghiệm chuyên môn, đội ngũ này chắc chắn sẽ tham gia dạy học tốt, tạo nên luồng gió mới để giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông hiệu quả hơn.