“Khoảng thời gian 5 năm tham gia giảng dạy tại đây, điều mà tôi cảm thấy băn khoăn nhất là làm thế nào để các em đến lớp đầy đủ. Bởi nhiều em hằng ngày phải giúp cha mẹ chăm em, đi bán vé số hay trông hàng hoá nên ít có thời gian dành cho việc học. Vì vậy ngoài giảng dạy tại lớp, tôi cùng cán bộ đơn vị còn tranh thủ thời gian đến nhà vận động các phụ huynh không để các em bỏ học giữa chừng và quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình”, thầy Cảnh tâm sự.
Tạo động lực cho trẻ đến trường
Hơn 2 năm nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người lính Biên phòng, lớp học tình thương của trẻ em nghèo tại thị trấn Bến Lức đã chuyển từ khu nhà trọ Duy Quý đến địa điểm mới. Mặc dù cũng nằm trong địa bàn khu phố 8, nhưng điểm trường mới này được trang bị 4 phòng học và 1 phòng đọc sách với thiết kế khang trang, thoáng mát. Đến nay, hầu hết các em sống tại thị trấn Bến Lức nếu không theo học ở các trường công lập đều tìm đến lớp học tình thương này.
Để học sinh theo kịp với chương trình đào tạo bậc tiểu học và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lớp học chia làm 2 ca, từ 13 giờ 45 phút đến 16 giờ và từ 17 giờ đến 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Ngoài thầy giáo Cảnh phụ trách lớp học còn có 1 cán bộ và 1 chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức tham gia giảng dạy.
“Lớp học tình thương chỉ tổ chức dạy cho trẻ ở bậc Tiểu học, nhưng hiện nay không có học sinh lớp 5 theo học, bởi thời điểm dịch bệnh phức tạp vừa qua lớp học phải nghỉ gần 1 năm, nhiều em đã theo ba mẹ về quê sinh sống và không trở lại. Một số trường hợp đang sinh sống tại thị trấn Bến Lức nhưng vì phụ giúp gia đình nên không còn đến trường”, thầy giáo Lê Nhật Lâm (chiến sĩ đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Bến Lức) giải thích.
Được biết, ngoài truyền thụ kiến thức, những thầy giáo quân hàm xanh còn trang bị cho học sinh kỹ năng sống, giáo dục các em không sa vào các tệ nạn, góp phần phòng, chống trẻ vi phạm pháp luật. “Sau một thời gian đến lớp, học sinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn ứng xử rất lễ phép với bố mẹ, người lớn. Nhờ đó mà gia đình các em luôn tạo điều kiện để con mình theo học tại lớp đầy đủ”, thầy Cảnh cho hay.
Trong suốt 10 năm qua, cùng với sự đồng hành của các mạnh thường quân, các thầy giáo Biên phòng và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn thường xuyên trích tiền lương để mua bút, tập viết, bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Có lẽ, từ tình cảm quý báu, thân thương đó, các trò lại có động lực để đến lớp đều đặn hơn.