Huổi Lếch là xã biên giới thuộc diện khó khăn nhất của huyện Mường Nhé. Theo thầy Vũ Quang Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, lớp học bằng tre kể trên là giải pháp “tình thế” để ứng phó trước thực trạng gia tăng học sinh trong năm học mới.
Năm học này nhà trường có 474 học sinh, trong đó có 313 em tại điểm chính. Do tiếp nhận thêm điểm bản Pa Tết (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) nên tăng thêm 38 em rải rác ở các lớp. Điều kiện cơ sở vật chất, phòng học của nhà trường vốn đã thiếu, nay lại càng thiếu thốn hơn.
Trong bối cảnh gấp rút đó, nhà trường đã họp và thống nhất dựng tạm một lớp học bằng tre để giải quyết tình thế trước mắt. Hơn 1 tuần ròng rã, 20 cán bộ, giáo viên nhà trường vừa đảm bảo nhiệm vụ chung vừa thực hiện sự phân công, điều động. Người vào rừng lấy tre, người đan liếp, căng bạt và dựng lớp học.
Học sinh lớp 2A1, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch học tập trong lớp học được dựng tạm bằng tre. |
“Vì số lượng tre cần lớn, nên chúng tôi huy động mỗi phụ huynh đóng góp 1 – 2 cây. Thương con em mình, đồng cảm với thầy cô nên bà con hỗ trợ nhiệt tình. Cả quá trình ấy nhiều lần gặp mưa, thầy cô rất vất vả. Nhưng ai cũng nỗ lực. Lúc ấy, chỉ cố gắng làm sao hoàn thành kịp trước năm học mới để các em có chỗ che mưa, che nắng”, thầy Huy chia sẻ.
Gần đây, biên giới Mường Nhé đã bắt đầu xuất hiện những cơn gió đầu đông. Hơn ai hết, cô Hưng lại thêm nỗi trăn trở. Mùa đông ở vùng cao vô cùng khắc nghiệt, mà em nào cũng thiếu thốn. “Mới chỉ chớm đông thôi mà sáng sớm mây mù đã giăng kín. Đôi lần nhìn bọn trẻ trong manh áo mỏng rùng mình trước cơn gió đầu mùa, tôi đã thấy thắt lòng. Chẳng biết vài hôm nữa, bọn trẻ sẽ thế nào…?!”, cô Hưng bộc bạch.
Còn theo thầy Huy, trên thực tế, ngoài lớp học dựng tạm bằng tre, nhà trường còn 2 lớp khác phải học tạm tại nhà ăn và nhà văn hóa bản, với gần 80 học sinh. Cơ sở vật chất các lớp này đều trong tình trạng chắp vá, khó khăn tương tự. Để đảm bảo sức khỏe cho trò, nhà trường đang xây dựng phương án dồn phòng ở nội trú để ưu tiên, bố trí phòng học.
“Tuy nhiên, đây là phương án bất đắc dĩ, vì học sinh ở nội trú cũng đang quá tải. Mỗi phòng có 10 em, nếu dồn nữa sẽ rất chật hẹp. Từ giờ đến vào đông, nếu chưa được đầu tư xây dựng, chúng tôi cũng không còn cách nào khác. Không thể để học sinh co ro cả ngày trong lớp học trống hoác như thế được. Sức khỏe các em là trên hết!”, thầy Huy trăn trở.
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Ngoài Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, địa bàn còn một số cơ sở cũng gặp khó khăn tương tự. Đặc biệt là về cơ sở vật chất, hạ tầng nhà lớp học, bán trú. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn chế nên ngành không thể bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng đáp ứng nhu cầu. Do vậy, ngành đang đẩy mạnh kêu gọi từ nguồn xã hội hóa và rất mong sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, để học sinh vùng khó được học tập, sinh hoạt trong điều kiện tốt hơn.