Kiểm tra công tác giảng dạy "xoá mù"
“Chế độ cho giáo viên dạy xoá mù chữ chưa cao, trong khi đó quảng đường đi lại xa, vất vả. Do đó, chúng tôi phải vận động những giáo viên ở trong địa bàn hoặc gần đó tham gia giảng dạy lớp xoá mù”, thầy Nguyễn Việt Quốc – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong chia sẻ.
Để công tác giảng dạy xoá mù chữ hiệu quả, hàng tháng Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy.
“Với đặc thù học viên là người dân tộc thiểu số, ngoài các bài giảng theo chương trình, chúng tôi cũng thiết kế các hoạt động ngoại khoá; lựa chọn các chủ đề cho học viên tìm hiểu và thuyết trình để người học được giao tiếp, thực hành tiếng phổ thông nhiều.
Song song với đó, những giáo viên tham gia giảng dạy lớp này là người biết tiếng dân tộc thiểu số để khi học viên có thể hiểu dùng tiếng dân tộc giải thích”, thầy Nguyễn Việt Quốc cho biết.
Hàng tuần, Ban giám hiệu thay nhau đến các lớp để nắm bắt tình hình học tập của cô và trò; bổ sung các cơ sở vật chất, tài liệu, đồ dùng học tập cho học viên.
Đối với những học viên nghỉ học giữa chừng, nhà trường, giáo viên đứng lớp phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà vận động học viên đi học lại. Nếu có vấn đề gì khó khăn, nhà trường sẽ tìm phương án để hỗ trợ.
Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Đăk Rong (Gia Lai) có hai cấp với 603 học sinh trong đó có 12 lớp bậc tiểu học, 6 lớp bậc trung học cơ sở. Nhà có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Là bán trú, nhưng có 470 học sinh ở nội trú. Trong đó, bậc tiểu học 390 học sinh; THCS 213 học sinh.