Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ GD&ĐT lưu ý các trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra Ngữ văn định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ thuộc bài hoặc sao chép văn mẫu.
Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này song cũng thừa nhận, khó khăn nhất hiện nay vẫn là việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp. Do đó, Bộ GD&ĐT cần sớm xây dựng ngân hàng ngữ liệu để đảm bảo tính an toàn, thống nhất.
Cùng với quy định không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu việc việc đánh giá phải phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập. Các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt được của chương trình môn học, chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được kỳ vọng sẽ hạn chế văn mẫu. (Ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cảnh một chương trình, nhiều sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018 bắt buộc đề thi kiểm tra đánh giá định kỳ, đề thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi chọn học sinh giỏi các cấp phải sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa để đảm bảo khách quan, công bằng đối với thí sinh học các bộ sách khác nhau. Và trên thực tế, trong thời gian qua, một số trường THPT đã chỉ đạo tổ chuyên môn đưa dần câu hỏi có ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong đề kiểm tra theo tỉ lệ khác nhau để học sinh làm quen, thích ứng.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa ra đề Ngữ văn là chủ trương phù hợp nhằm hạn chế tình trạng dạy và học theo kiểu “đọc, chép” theo văn mẫu. Điều này đã được triển khai ngay từ khi chương trình GDPT mới được áp dụng đối với lớp 10. Tại trường, đề kiểm tra thường xuyên đều có sử dụng các văn bản mới theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, cô Huệ cũng thừa nhận, do thói quen dạy và học cũ này bám rễ khá lâu nên trong thời gian đầu thực hiện việc đổi mới kiểm tra, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn, lúng túng nhất định. Nhưng sau một thời gian làm quen, học sinh cũng thích ứng dần. Kiểu ra đề này tránh được tình trạng học sinh học tủ, học theo văn mẫu, thay vào đó, các em chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức và nâng cao được kỹ năng trong việc xử lý cũng như phân tích tác phẩm văn học dựa trên đặc trưng thể loại. Cũng theo chia sẻ của cô Huệ, một trong những khó khăn hiện nay của giáo viên là làm sao có thể lựa chọn được ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp với trình độ của học sinh và không gây tranh cãi. Do đó, nếu Bộ GD&ĐT huy động đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm để xây dựng được ngân hàng ngữ liệu cho môn Ngữ văn thì sẽ thuận lợi hơn, đồng bộ và an toàn hơn.
Cô Nguyễn Mai Thoa, giáo viên Ngữ văn tại thành phố Vũng Tàu chia sẻ: Việc không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề Văn đã được nhà trường thực hiện cách đây 2 năm, ngay từ khi triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 10. Điều này phù hợp với yêu cầu của chương trình, phù hợp với mục tiêu đặt ra của chương trình là dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Tuy vậy, cô Thoa cũng thừa nhận, hiện nay giáo viên Ngữ văn lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì theo kiểu trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm. Nói cách khác, giáo viên đang “tự bơi” trong việc lựa chọn ngữ liệu nên cũng khó tránh những rủi ro nhất định như ngữ liệu không phù hợp, gây tranh cãi, ngữ liệu quá dài khiến học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận, đọc hiểu.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, trên các diễn đàn dành cho giáo viên và phụ huynh cũng xuất hiện những lo lắng, băn khoăn về việc nếu không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi Ngữ văn ít nhiều sẽ gây khó khăn cho học sinh. Theo một số giáo viên, rõ ràng việc không dùng văn bản trong sách giáo khoa cho đề kiểm tra môn Ngữ văn góp phần triệt tiêu văn mẫu và giảm thiểu được lối học tủ, học vẹt, đạo văn, quay cóp... Tuy nhiên, muốn triệt tiêu văn mẫu thì cơ quan quản lí giáo dục và các nhà trường phổ thông cũng phải có những quy định mang tính hỗ trợ đi kèm như không dựa vào kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên; tạo thói quen cho học sinh đọc sách để bồi đắp thêm tình yêu văn chương cho các em; nâng cao khả năng viết lách, không cần phụ thuộc văn mẫu. Những việc này cần được nghiên cứu thấu đáo, triển khai đồng bộ và có lộ trình thực hiện hợp lí, bài bản bởi nếu làm không khéo, học sinh sẽ là những người bị thiệt thòi nhất.
Từ phía phụ huynh, dù ủng hộ chủ trương loại bỏ dần văn mẫu, lối học tủ, học vẹt song nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai cần thực hiện đồng loạt ở các trường để đảm bảo công bằng, chứ trường đổi mới kiểm tra, trường vẫn làm theo kiểu cũ thì học sinh sẽ bị thiệt thòi về điểm số, ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học bằng học bạ. Ngoài ra, khi sử dụng ngữ liệu mở, đề bài kiểm tra mở thì việc chấm bài kiểm tra của giáo viên cũng cần phải có độ mở tương ứng theo hướng tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.