“Theo kế hoạch, tháng 5/2023, Sở GD&ĐT sẽ thông tin kết quả lựa chọn SGK đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy lớp 8, lớp 11 năm học 2023 - 2024. Sau đó, trong tháng 6, Sở phối hợp nhà xuất bản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 8, lớp 11 sử dụng SGK theo từng môn học…”, ông Nguyễn Phương Toàn chia sẻ.
Kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 Chương trình GDPT 2018 áp dụng năm học 2023 - 2024 được An Giang ban hành đầu năm 2022. Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết, dự kiến hoạt động nghiên cứu các bộ SGK nói trên sẽ bắt đầu từ 6/2 đến 18/2. Từ 20/2 - 2/3, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11.
Sau đó, cơ sở giáo dục bắt đầu tổ chức họp lựa chọn các bộ SGK từ 3/3 đến 10/3; báo cáo đề xuất lựa chọn về Sở GD&ĐT (cấp THPT), về phòng GD&ĐT (cấp tiểu học, THCS) trước ngày 14/3. Trước 17/3, các phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo về Sở GD&ĐT danh mục SGK lớp 4 và lớp 8 được các cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn. Từ 21/3 đến 4/4, các hội đồng sẽ tổ chức lựa chọn SGK để Sở GD&ĐT có thể tổng hợp kết quả của các hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trước 10/4.
Ông Trần Tuấn Khanh nhấn mạnh, yêu cầu các cơ sở giáo dục, Hội đồng lựa chọn SGK triển khai thực hiện nghiêm túc theo các quy định; đặc biệt cần bảo đảm thực hiện quy trình lựa chọn theo đúng Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Về phía Sở GD&ĐT An Giang, cùng với chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo đúng quy định, sẽ tổ chức giám sát, kiểm tra, tư vấn, hỗ trợ việc tổ chức lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục.
Sở GD&ĐT đồng thời phối hợp với các đơn vị xuất bản có danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục tiến hành nghiên cứu, lựa chọn. Tổ chức Hội đồng lựa chọn SGK; trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trên địa bàn tỉnh.
“Các phòng GD&ĐT cần làm tốt việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đề xuất lựa chọn và hướng dẫn sử dụng SGK theo đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra công tác tổ chức lựa chọn SGK. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch để các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đề xuất lựa chọn SGK theo quy định; sử dụng hiệu quả SGK đã được UBND tỉnh phê duyệt trong quá trình dạy học theo đúng quy định của pháp luật…”, ông Trần Tuấn Khanh lưu ý thêm.
Năm nay, một trong những thuận lợi của công tác lựa chọn SGK là các địa phương, nhà trường đã có kinh nghiệm triển khai từ những năm học trước. Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), qua 2 năm tham gia lựa chọn SGK lớp 6, lớp 7, cán bộ, giáo viên đã làm quen, chủ động trong tiếp cận, nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung kiến thức, hình thức trình bày của các bộ sách. Nhà trường chủ động phân công giáo viên đọc, cho ý kiến về nội dung, hình thức các bản sách, phân công các nhóm cùng chuyên môn chọn sách, thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và thực hiện chọn sách theo đúng quy trình.
“Kinh nghiệm rút ra sau 2 năm lựa chọn SGK là cần nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, giáo viên thực hiện việc lựa chọn sách đảm bảo đúng theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT và các văn bản hướng dẫn của ngành, của địa phương. Cùng đó, tổ chức, triển khai tập huấn sử dụng SGK cho toàn bộ cán bộ quản lí, giáo viên; chủ động chuẩn bị sớm phân công giáo viên trong công tác chọn SGK”, thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thại thông tin, đã có đủ các bản mẫu SGK lớp 4 để cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, từ đó đề xuất lựa chọn bộ sách phù hợp. Dự kiến, từ 21 - 24/2, nhà trường tham gia buổi giới thiệu SGK của các nhà xuất bản. Việc đọc và nghiên cứu SGK kéo dài từ 1 đến 3 tuần, dự kiến vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Sang tuần thứ hai tháng 3, các tổ chuyên môn thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn SGK theo hình thức bỏ phiếu kín.
“Muốn hoạt động chọn SGK hiệu quả thì công tác triển khai lựa chọn phải thực hiện sớm, đủ thời gian nghiên cứu. Nên trường vừa tổ chức nghiên cứu đại trà, vừa kết hợp nghiên cứu chuyên từng môn học cho mỗi đầu SGK. Nhà trường cũng cần thường xuyên làm tốt công tác truyền thông về thực hiện Chương trình GDPT 2018 nói chung và SGK từng khối lớp nói riêng. Bản mẫu SGK cần gửi đến trường sớm nhất có thể để triển khai nghiên cứu đảm bảo thời lượng, mỗi đầu sách nên có từ 2 bộ trở lên. Phải có đội ngũ giáo viên cốt cán trong nhà trường, nhiều kinh nghiệm giảng dạy tư vấn cho giáo viên khi nghiên cứu sách gặp nội dung chưa thông hiểu cần giải đáp…”, thầy Nguyễn Văn Thại chia sẻ kinh nghiệm.
Để công tác chọn SGK chất lượng, hiệu quả, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), khẳng định điều quan trọng là lựa chọn SGK phải thực hiện đúng quy trình theo Thông tư số 25/2020/TT-BGD&ĐT. Hội đồng lựa chọn SGK làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. SGK phải đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục.
“Các bản sách gửi về cần đồng bộ, có cả SGK, sách bài tập, chuyên đề, sách giáo viên. Ngoài bản giấy có thể gửi bản file PDF để tiện nghiên cứu, chia sẻ. Nếu có thể, các chủ biên nêu tóm tắt phần giới thiệu sách, hướng khai thác, tính ưu việt của bộ sách như một sự định hướng. Với nhà trường, cần thiết lập Hội đồng chọn sách, các tổ chuyên môn nghiên cứu lựa chọn, phản hồi. Có thể thực nghiệm, soạn giảng một số tiết ở các bộ sách để xem tính hiệu quả…”, thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) trao đổi.