Luật Đất đai sửa đổi: Giảm thủ tục, tăng quyền cho địa phương

Theo Nguyễn Hoài | 22/01/2024, 07:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai là điểm mới của Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Luật cũng có nhiều quy định nhằm cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Đẩy mạnh phân quyền cho UBND cấp huyện

Đại diện Bộ TN&MT cho biết, một trong những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua là tiếp tục quy định phân cấp về thẩm quyền thu hồi đất cho địa phương, đẩy mạnh phân cấp cho UBND cấp huyện. Theo đó, UBND tỉnh quyết định thu hồi đất đối với tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. UBND cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp còn lại không phân biệt người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân đang quản lý, chiếm hữu đất.

Luật Đất đai (sửa đổi): Giảm thủ tục, tăng quyền cho địa phương - Ảnh 1.

Luật Đất đai (sửa đổi) hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ảnh: Như Ý

Luật cũng bỏ quy định phải trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận đối với dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Thực hiện phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác đối với các dự án này. Quy định này, theo đại diện Bộ TN&MT, nhằm đơn giản thủ tục hành chính trong việc chuyển mục đích sử dụng trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công.

Một điểm mới khác của Luật là bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất như bỏ quy định về Chính phủ ban hành khung giá đất, giao thẩm quyền cho các địa phương ban hành bảng giá đất. Mở rộng các trường hợp áp dụng bảng giá đất để đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đối với một số trường hợp phải xác định giá đất. Phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Đẩy mạnh thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Đại diện Bộ TN&MT cho biết, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) dành một chương quy định về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV) gồm có 7 điều (sửa đổi, bổ sung 4 điều so với Luật Đất đai năm 2013). Trong đó, quy định rõ về công bố, công khai các thủ tục hành chính về đất đai, trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, trình tự thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao Chính phủ quy định cụ thể các thủ tục hành chính về đất đai.

Luật cũng bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Trong đó, quy định trách nhiệm, thời gian các bộ, ngành và các địa phương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác, quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành có liên quan, bổ sung quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai. Từ đó tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử.

Đại diện Ban soạn thảo cho rằng, các quy định nói trên sẽ là cơ sở quan trọng để minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo tiền đề hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp.

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cảng vụ hàng không, ban quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế. Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất thuộc cảng hàng không, sân bay dân dụng, khu công nghệ cao nhằm bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Bài liên quan
Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 sẽ tác động thị trường bất động sản như thế nào?
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 đã được thông qua là căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Đất đai sửa đổi: Giảm thủ tục, tăng quyền cho địa phương