Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo

Sỹ Điền (Thực hiện) | 05/04/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ năm 2022, Bộ GD&ĐT đã triển khai lập đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo.

Quy định cần đủ độ rộng, chiều sâu

- Luật Nhà giáo ra đời có giải quyết được những bất cập, vướng mắc trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo không, thưa ông?

- Tính đến cuối năm học 2021 - 2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.

Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Số lượng đội ngũ nhà giáo đang ngày càng phát triển, đặc biệt là nhóm nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giảng dạy, giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập.

Tuy vậy, chính sách đối với nhà giáo ngoài biên chế, giáo viên công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nếu không có Luật Nhà giáo thì việc quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo sẽ không đồng bộ, thiếu công bằng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.

Việc giao thoa giữa quản lý ngành và theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với cấp học mầm non, phổ thông.

Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị có thẩm quyền sử dụng, quản lý nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động nhà giáo dẫn đến tình trạng thừa/thiếu cục bộ. Việc bổ sung nhà giáo không kịp thời, chất lượng nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu công việc… tồn tại ở nhiều nơi. Thực tế này đòi hỏi cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn ở tầm luật về cơ quan quản lý Nhà nước các cấp và cơ chế quản lý nhà giáo.

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên và thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên như những viên chức thông thường đã và đang bộc lộ một số hạn chế như: Tuyển dụng đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý Nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ; khó tuyển được người giỏi vào ngành; chuyển biên chế suốt đời của giáo viên sang chế độ làm việc theo hợp đồng, hưởng lương theo vị trí việc làm nhưng không có quy định đặc thù nên không thực hiện được công tác điều động, biệt phái giáo viên từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi lên vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn công tác. Do đó, cần có quy định riêng về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo để đảm bảo phù hợp với đặc thù lao động, để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Về vị thế, vai trò của đội ngũ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên thiếu cơ sở để thực hiện.

Trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vị thế của nhà giáo, sự tự chủ của nhà giáo trong thực hiện chương trình, quản lý và giáo dục học sinh, thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.

Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo ảnh 2

Giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. Ảnh: TG

Đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

- Thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo giỏi được xã hội quan tâm, kỳ vọng. Vậy vấn đề này được đề cập trong dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Nhà giáo như thế nào?

- Trong 5 chính sách mà dự thảo Tờ trình đề cập đến thì có chính sách 4 về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Mục tiêu của chính sách này là tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nhà giáo, giúp nhà giáo phát triển chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện cho nhà giáo tự do học thuật, phát triển chuyên môn liên tục.

Cùng với đó, tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao. Xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc. Thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người. Chẳng hạn, chế độ tiền lương đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập phải được xếp hệ số cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức.

Đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Tiền lương chi trả theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và nhà giáo nhưng phải bảo đảm tối thiểu bằng với mức lương của nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, thâm niên đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội không thấp hơn tiền lương của nhà giáo có cùng trình độ, thâm niên đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập.

- Xin cảm ơn ông!

“Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau” – ông Vũ Minh Đức cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/luat-hoa-cac-quan-diem-cua-dang-va-nha-nuoc-ve-nha-giao-post632948.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/luat-hoa-cac-quan-diem-cua-dang-va-nha-nuoc-ve-nha-giao-post632948.html
Bài liên quan
Quốc hội bắt đầu họp đợt 2, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án đường sắt tốc độ cao
Nội dung mở đầu của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo