Trên 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách... với chiều dài hơn 200m của Hà Nội mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Trong khi đó, Nghị định 136 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ(PCCC và CNCH) áp dụng chung cho cả thành thị và nông thôn, thì lại chưa cụ thể đến
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án Luật; trong đó, có dự án Luật rất được người dân quan tâm, là Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Liên quan đến dự án Luật này, nhiều cử tri ở Thủ đô Hà Nội mong muốn sớm ban hành quy định đặc thù về PCCC đối với những đô thị lớn, mật độ dân cư cao. Bởi thực tế, Nghị định 136 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật PCCC&CNCH hiện nay áp dụng chung cho cả thành thị và nông thôn, chưa cụ thể đến "ngõ nhỏ, phố nhỏ" - một trong những loại hình đô thị đặc thù của Hà Nội. Trong khi những vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng gần đây lại chủ yếu xảy tại những khu vực ngõ nhỏ, lối vào chật hẹp.
Giải pháp "trước mắt", "tạm thời"
Theo cử tri Lê Thanh Hải (trú tại ngõ 2 Phạm Thận Duật, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), dù nơi anh ở cách trung tâm Hà Nội đến 10 km, nhưng mật độ dân số không hề thấp hơn khu vực phố cổ. Đặc biệt, mật độ nhà trọ mini, chung cư mini thì dày đặc. Ngõ chỉ dài khoảng 150m, nhưng có đến hơn 20 nhà cao tầng cho thuê trọ. Càng vào sâu trong ngõ, mật độ dân cư càng đông...
Hơn thế, hàng loạt các vi phạm PCCC vẫn đang tồn tại như tình trạng mái che, mái vẩy phục vụ hàng quán kinh doanh; lưới điện, cáp thông tin "giăng tơ nhện"... La liệt quán xá trong ngõ ngỏ như quán cơm, giặt đồ, sửa xe máy... lấn chiếm lối đi vốn đã chật hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy.
Điều đáng nói là sau hàng loạt vụ cháy trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng như cả TP Hà Nội suốt thời gian qua, các sai phạm về PCCC đối với chung cư mini, nhà trọ cho thuê để ở kết hợp kinh doanh vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Thống kê cuối tháng 5/2024 của quận Cầu Giấy (sau khi rà soát phòng cháy trên địa bàn) cho thấy, con số đã vượt qua ngưỡng "báo động", với 3.172 nhà trọ của quận không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy.
Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Đức, cử tri quận Bắc Từ Liêm (đang sinh sống ở Khu đô thị tái định cư Thành phố Giao Lưu) cho biết, qua điều tra cơ bản của lực lượng chức năng, hiện có 996 ngõ, ngách, nhỏ trên 50m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; quận vẫn còn thiếu 1.907 điểm chữa cháy công cộng.
Cử tri Nguyễn Hoàng Đức khẳng định, chỉ khi xảy ra hàng loạt vụ hoả hoạn thương tâm vừa qua, thành phố mới có các chiến dịch thống kê, rà soát có trọng điểm và tập trung. Nhưng sau những đợt thống kế, ngoài việc xử phạt hàng loạt các sai phạm về phòng cháy - vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua... thì các giải pháp đưa ra vẫn chỉ tạm thời, trước mắt; chưa có giải pháp nào thật sự căn cơ.
"Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Luật PCCC vẫn đang quy định nhiều điều khoản chung cho các khu đô thị, nhưng lại thiếu chi tiết, cụ thể đối với các loại hình nhà dân, nơi tập trung đông dân cư nằm sâu trong ngõ nhỏ, chật hẹp. Việc xử phạt nghiêm các vi phạm phòng cháy vẫn phải duy trì và rất cần thiết, nhưng về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể về PCCC ở những nơi đông dân cư đặc thù như Hà Nội", cử tri Nguyễn Hoàng Đức cho biết.
Cùng chung nỗi lo lắng khi có hoả hoạn trong ngõ ngỏ, cử tri Nguyễn Mạnh Thắng (trú tại Khu tập thể Gia Cầm, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) bức xúc về hàng loạt vi phạm trật tự đô thị và PCCC tại đây. Theo đó, trong khuôn viên khu tập thể đang có công trình nhà chung cư mini được xây dựng vượt quá số tầng quy định; không chỉ một mà khá nhiều toà nhà kiểu này đã mọc lên trong nhiều năm qua...
Theo thông tin từ Công an quận Đống Đa, tính đến ngày 6/6, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Công an 21 phường triển khai 37 tổ công tác tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở nhà trọ trên địa bàn toàn quận. Các tổ đã kiểm tra được 1.286 cơ sở, phát hiện, lập biên bản xử phạt 297 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Các tổ công tác đã tuyên truyền, vận động 1.284 cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp trước mắt.
Trao đổi với báo chí, đại diện quận Thanh Xuân cho biết, vị trí địa lý của quận có nhiều tuyến giao thông đầu mối quan trọng dẫn về trung tâm thành phố, nên địa bàn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh và sản xuất. Thống kê cho thấy, toàn quận có 1.588 tuyến ngõ, ngách. Hệ thống đường giao thông chủ yếu là đường ngõ có chiều rộng nhỏ dưới 3m, các phương tiện xe cơ giới không tiếp cận được.
Còn nhiều trăn trở
Sau 20-30 năm đô thị hóa, các ngôi làng biến thành phố phường, dân cư đông gấp cả chục lần. Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm sâu từ 200 m trở lên và trên 2.300 cơ sở, khu dân cư nằm trong hẻm nhỏ, sâu 200 m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Khoảng 90% con hẻm, ngõ rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3 m.
Có những ngõ nhỏ được lắp điểm chữa cháy công cộng từ giữa năm 2023, nhưng sợ mất trộm, nên một số khu vực đã được khoá lại. Ở nhiều khu tái định cư, chung cư... các thiết bị phòng cháy chưa được trang bị đầy đủ, có nơi lắp đặt được một thời gian ngắn đã bị lấy trộm mất.
Trong đợt tổng rà soát về PCCC toàn thành phố vừa qua, quận Cầu Giấy đã đề cập đến nhiều khó khăn, vướng mắc như: Thiết bị phòng cháy không đảm bảo; hầu hết các cơ sở chỉ có một đường và lối thoát nạn, không có lối thoát nạn dự phòng; bố trí xe cộ, khu vực sạc xe điện ở tầng 1, nhưng không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói; các cơ sở nằm trong ngõ sâu, phương tiện chữa cháy chuyên dụng không tiếp cận được…
Tại địa bàn quận Thanh Xuân, lãnh đạo quận cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Cụ thể, hệ thống trụ cung cấp nước chữa cháy trên các tuyến đường còn thiếu; các nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy hạn chế; giao thông phục vụ công tác chữa cháy còn khó khăn. Tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt ở một số khu vực dân cư đường giao thông nhỏ hẹp, dây điện trùng võng, khi xảy ra cháy, nổ xe chữa cháy của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không tiếp cận được, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cứu hoả.
Trước hàng loạt bất cập còn tồn tại, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, đối với Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, cần rà soát lại quy trình, quy định, hướng dẫn công tác chữa cháy và cứu nạn, từ đó xây dựng hoàn thiện quy trình, phương án cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay để huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn nghiêm trọng.
Công an các địa phương cần đánh giá toàn diện các trang thiết bị cứu hoả; nghiên cứu, đề xuất bổ sung trang thiết bị bảo đảm tính thực chiến cao, gọn nhẹ, dễ sử dụng, phù hợp với thực tế địa bàn Thủ đô, nhất là các trang thiết bị phục vụ chữa cháy trong các ngõ, ngách nhỏ, sâu. Nghiên cứu, thiết kế phương tiện để vận chuyển các thiết bị dự phòng đến đám cháy. Khi đến hiện trường vụ cháy, cần phải triển khai sử dụng để rút ngắn thời gian chữa cháy, giảm thiệt hại tối đa cho Nhân dân.
Cần chú trọng tới 'ngõ nhỏ, phố nhỏ'
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, cử tri Nguyễn Hoàng Trang (sinh năm 1969, trú tại Khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: Khi cháy chung cư mini, chúng ta tổng kiểm tra nhà chung cư mini; cháy nhà trọ kết hợp sản xuất kinh doanh, chúng ta lại tổng kiểm tra nhà ở kết hợp kinh doanh; nay mai nhỡ cháy chung cư cao cấp, lại tiếp tục kiểm tra? Vòng luẩn quẩn này đã bộc lộ thấy những lỗ hổng trong chính sách về PCCC.
Cử tri Nguyễn Hoàng Trang mong muốn, dự thảo Luật PCCC&CNCH lần này cần đặc biệt hoàn thiện về cơ chế, chính sách một cách tổng thể; cần có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với phòng cháy tại các khu tập trung đông dân cư có đặc thù do lịch sử để lại như nhà trọ mini, chung cư mini, khu tập thể, xưởng sản xuất... nằm sâu trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy chuyên dụng chưa thể tiếp cận được.
Đồng tình với quan điểm trên, cử tri Nguyễn Hoàng Đức ở quận Bắc Từ Liêm cho rằng, không chỉ riêng Thủ đô Hà Nội, mà TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác có mật độ dân cư cao, tập trung trong ngõ nhỏ chật hẹp... cũng cần nhận được các chế tài cụ thể, chi tiết hơn từ Luật PCCC&CNCH.
Liên quan đến các giải pháp phòng cháy tại nhà ở, khu dân cư trong ngõ nhỏ, một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch tổng thể các khu đô thị dân cư có hoạt động cho thuê trọ thường xuyên; hạn chế cấp phép kinh doanh nhà ở cho thuê ở các quận trung tâm có mật độ dân số cao và những ngõ quá hẹp mà xe chữa cháy không vào được.