Ngoài ra, Đề án 33 tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý và giảng viên chuyên ngành mầm non tham gia xây dựng tài liệu bồi dưỡng và trao đổi tập huấn chuyên môn với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Qua đó, giảng viên được trau dồi kiến thức chuyên môn, gắn kết đào tạo lý thuyết ở các trường sư phạm với thực tiễn tại các cơ sở giáo dục mầm non.
- Vậy các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được đổi mới, thay đổi như thế nào kể từ khi có Đề án 33 – thưa TS?
- TS Đặng Lan Phương: Những năm qua, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non đã chú trọng việc đổi mới và hoàn thiện Chương trình, phương pháp đào tạo.
Qua đó, nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn đổi mới của giáo dục, hội nhập quốc tế, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học. Nội dung chương trình đào tạo được cập nhật, bổ sung kịp thời các xu thế giáo dục mới trong khu vực và trên thế giới. Các văn bản chỉ đạo của ngành học, đặc biệt là bám sát những đổi mới của thực tiễn giáo dục mầm non.
Ngoài ra, các nhà trường thường xuyên đổi mới và cập nhật phương pháp và hình thức giảng dạy tiên tiến, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Trẻ mầm non được thụ hưởng từ Đề án 33. |
- TS có thể chia sẻ những giải pháp phát triển, nâng cao năng lực của giảng viên sư phạm mầm non?
- TS Đặng Lan Phương: Để phát triển, nâng cao năng lực của giảng viên mầm non, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các khóa đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non.
Đồng thời, mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trên cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, để giảng viên có cơ hội tiếp cận, trao đổi, học tập kinh nghiệm giáo dục mầm non với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Mặt khác, tiếp tục tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học cho giảng viên. Các trường sư phạm cần thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục, các trường mầm non. Trên cơ sở đó, giảng viên được tiếp cận với thực tiễn và công tác chỉ đạo của ngành học, giúp cho nội dung giảng dạy phù hợp với thực tiễn hơn.
Xin cảm ơn TS!