Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), LHS nước ngoài sang học tập tại Việt Nam được chia thành 2 diện: Hiệp định và ngoài Hiệp định. Các hình thức đào tạo LHS nước ngoài gồm đào tạo dài hạn (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ); liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDĐH Việt Nam và nước ngoài; đào tạo ngắn hạn.
Hiện nay, đa phần LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam bằng tiếng Việt (đặc biệt là các chương trình dài hạn), một phần học bằng tiếng Anh và một số lượng nhỏ học bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 18 thỏa thuận và điều ước quốc tế có hiệu lực làm căn cứ cho việc tiếp nhận LHS nước ngoài diện Hiệp định. Theo đó, bình quân mỗi năm phía Việt Nam tiếp nhận khoảng 2 nghìn LHS nước ngoài diện Hiệp định tùy thuộc vào kế hoạch cụ thể từng năm và số lượng thực tế phía đối tác gửi sang.
155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo 45 nghìn LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 12 nghìn LHS Hiệp định (chiếm 26,6% tổng số LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam), 33 nghìn LHS ngoài Hiệp định (chiếm 73,4%). Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300).
Riêng 2 năm 2020, 2021 chỉ có khoảng 3 nghìn LHS được tiếp nhận mới trong mỗi năm. Như vậy trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam đã giảm nhiều.
Giai đoạn 2016-2021, LHS nước ngoài học tập tại khoảng 150 cơ sở GDĐH, nhiều cơ sở GDĐH hàng đầu của Việt Nam, từ đó tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, góp phần thúc đẩy quốc tế hóa GDĐH. Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều LHS (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch như: ĐH Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); ĐH Quốc gia Tp.HCM (47), Trường ĐH Hà Nội (44), ĐH Huế (38), ĐH Thái Nguyên (29), ĐH Đà Nẵng (13).
Lưu học sinh Lào theo đuổi ngành Y học tại Việt Nam. Ảnh: Đặng Tài. |
Việc tổ chức đào tạo chuyên môn trình độ đại học cho LHS nước ngoài được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. LHS nước ngoài được tổ chức đào tạo bình thường như đối với sinh viên trong nước. Trong quá trình học chuyên ngành, nhiều cơ sở GDĐH tiếp tục tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt nâng cao cho các LHS, tìm nguồn hỗ trợ học phí, học bổng cho LHS.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đối với LHS nước ngoài đang học chính thức, một số cơ sở GDĐH có chủ trương hỗ trợ, bổ sung và bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên ngành cho LHS thông qua các hình thức phụ đạo, học chuyên đề bổ sung, chuyên đề tự chọn.
Nhận thấy tiếng Việt là rào cản đối với học chuyên ngành, một số cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy tiếng Việt nâng cao thay thế môn ngoại ngữ. Một số cơ sở giáo dục đã thay thế môn Triết học bằng môn Văn hóa Việt Nam, các môn như Chính trị, giáo dục quốc phòng được thay thế bằng môn Tiếng Việt;
Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2021, công tác tiếp nhận, đào tạo và quản lý LHS nước ngoài trong các cơ sở GDĐH đã có nhiều đóng góp: Góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH, là động lực để các trường tích cực đổi mới chương trình đào tạo. Tạo lập môi trường học tập đa văn hóa, thúc đẩy quá trình quốc tế hoá GDĐH, đưa giáo dục Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến Việt Nam. Góp phần tạo thêm nguồn thu cho các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài còn một số hạn chế. LHS nước ngoài đến Việt Nam học tập chưa phải là những đối tượng tinh hoa; LHS nước ngoài theo học các chương trình bằng ngoại ngữ khác như tiếng Anh còn khiêm tốn, tập trung nhiều ở các chương trình đào tạo ngắn hạn. Việc thu hút và đào tạo LHS nước ngoài trong nhiều cơ sở GDĐH còn chưa được chú trọng…
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT xác định hai mục tiêu cụ thể trong phạm vi công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý LHS nước ngoài.
Thứ nhất, góp phần nâng cao chất lượng và quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Phấn đấu đạt chỉ số sinh viên quốc tế là 1,2 vào năm 2025 và 1,7 vào năm 2030.