GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trường là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Với ý nghĩa trên, nhà trường vinh dự khi được Bộ GD&ĐT, ban tổ chức lựa chọn tổ chức Vòng sơ khảo cuộc thi khu vực phía Bắc.
Tại Vòng sơ khảo sáng nay, 36 đội thi tham gia tranh tài. Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội gồm 2 – 3 thí sinh hùng biện chính. Thời gian trình bày tối đa cho mỗi phần thi là 7 phút.
Các thí sinh sẽ trình bày phần thi hùng biện bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, có thể sử dụng các hình thức minh hoạ kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi.
Thí sinh trình bày phần thi hùng biện tiếng Việt. |
Mỗi đội thi có 7 phút trình bày. |
Được phát động từ tháng 8/2023, cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam năm 2023" đã thu hút đông đảo các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo tiếng Việt đang có lưu học sinh nước ngoài học tập, nghiên cứu hưởng ứng. Khoảng 65 cơ sở đào tạo tại 29 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia.
Vòng sơ khảo khu vực và Vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi tập trung. Trong đó, Vòng sơ khảo tổ chức tại 3 cụm thi: Cụm 1 (khu vực miền Bắc), Cụm 2 (khu vực miền Trung), Cụm 3 (khu vực miền Nam).
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, khoảng 22 nghìn lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2016 – 2022, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.Trung bình, hàng năm có từ 4.000 – 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam, trong đó phần lớn lưu học sinh theo học Tiếng Việt, Việt Nam học, các ngành đào tạo bằng tiếng Việt nên cần sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống và học tập.